Nhiều cán bộ y tế vướng lao lý, đại biểu Quốc hội chất vấn về trách nhiệm quản lý

17:25 | 10/11/2021 Print
Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 10/11 là cơ chế, công tác hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế trước tình trạng nhiều cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua sắm vật tư, thiết bị y tế.
Đại biểu Quốc hội chất vấn tình trạng loạn giá xét nghiệm Covid-19 TP. Hồ Chí Minh: Bắt giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức Bộ Y tế: Đình chỉ công tác Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn

Tách bạch quản lý chuyên môn và quản lý kinh tế

Trả lời đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế trong việc để xảy ra những sai phạm của một số cán bộ ngành Y gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ, “đây là vấn đề rất đau lòng”. Những sai phạm đó xuất phát từ nhiều lý do, như về cơ chế hướng dẫn, hay mang tính cá nhân. Mặc dù đã có các quy định về đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có những vi phạm.

Lên án những sai phạm này và khẳng định các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát lại các hướng dẫn, thể chế có liên quan đến việc quản lý, mua sắm, đấu thầu; về việc phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương, các đơn vị y tế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi chất vấn.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đặt câu hỏi về tách riêng giữa quản lý chuyên môn và quản lý kinh tế đối với giám đốc bệnh viện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, những vấn đề sai phạm liên quan đến cá nhân xảy ra trong ngành Y tế thời gian qua là rất đáng tiếc. Tuy nhiên, đây là một vài trường hợp không ảnh hưởng lớn đến ngành. Về mặt quản lý, Bộ cũng đã cố gắng tách bạch riêng người quản lý về mặt tài chính. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương do vấn đề về mặt tổ chức quản lý y tế theo địa bàn và quản lý nhân sự ở địa bàn là do UBND các tỉnh, thành phố, nên Bộ Y tế cũng không chỉ đạo được. Tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, với các cơ quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình đó, xây dựng các quy định, thể chế để cố gắng hạn chế tối đa những vấn đề sai phạm như trong thời gian qua.

Trách nhiệm vẫn thuộc về người đứng đầu

Cho rằng một số giải pháp được nêu để khắc phục chưa thỏa đáng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tranh luận rằng dù có phân công cho một cấp phó chuyên phụ trách về những vấn đề kinh tế để tránh việc sai phạm thì khi xảy ra việc, người cấp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm.

Về trách nhiệm cơ quan quản lý, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu vấn đề nếu các cơ quan có chuyên môn về quản lý, kiểm toán, thanh tra hàng năm mà không phát hiện ra sai phạm, vậy thì làm sao các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ có thể phát hiện ra sai phạm để tránh. Nếu như được phát hiện ra sai phạm từ trước, ngăn chặn, cảnh báo thì làm gì xảy ra những hậu quả như vừa qua.

Thêm vào đó, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định rõ là những sai phạm sau khi đã có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mới phát hiện ra thì những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm, vậy chúng ta có bỏ sót tội phạm hay không?

Bộ trưởng Bộ Y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về tất cả các hoạt động trong đơn vị của mình, kể cả những sai phạm. Các quy định đều nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện tài chính trong các cơ quan, đơn vị.

Đối với trách nhiệm của các cơ quan được phân quản lý theo địa bàn và lãnh thổ, Bộ trưởng cho biết, chúng ta thực hiện cơ chế song trùng chỉ đạo. Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo về mặt chuyên môn, kỹ thuật đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc; bảo đảm việc hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên với các vấn đề trong quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra, UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm ở các đơn vị y tế thuộc địa bàn.

Mặt khác, Bộ Y tế đã tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với những vấn đề bức xúc xảy ra. Bộ Y tế cũng đã liên tục có văn bản nhắc nhở đối với các địa phương để các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có vấn đề về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị. Hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết 30 của Quốc hội cho cơ chế đặc thù, Nghị quyết 79 và Nghị quyết 86 của Chính phủ cũng đã cho phép áp dụng một số cơ chế trong tình trạng khẩn cấp để mua sắm. Tuy nhiên, các địa phương chưa áp dụng triệt để được các quy định này và vẫn còn tình trạng "ngại" mua sắm đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Bày tỏ hy vọng các địa phương sẽ đẩy nhanh tốc độ mua sắm theo đúng quy định, lãnh đạo ngành Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và khi phát hiện vi phạm thì xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Tham gia trả lời về vấn đề bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc làm quản trị giỏi và đề nghị xem xét tách bạch việc quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới, ngành Nội vụ và ngành Y tế sẽ ngồi lại để nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này, để làm sao đảm bảo cán bộ quản lý vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản lý.

Khi chúng ta đang đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công, rất cần cán bộ quản lý có năng lực quản trị để đáp ứng yêu cầu. Theo đó, "phải làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp trong bối cảnh đẩy mạnh xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định./.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn phải được kiểm toán

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập như các bệnh viện nếu đã tự chủ hoàn toàn thì được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm về báo cáo tài chính, do kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập làm việc này. Vậy chúng ta đã thực hiện nghiêm việc này chưa hay là đến khi "mất bò mới lo làm chuồng", Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.

Bên cạnh vấn đề hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của bộ chuyên ngành, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về chế độ kế toán và kiểm toán với các đơn vị này. Nghị quyết 19 đã nêu rõ phải thực hiện quản lý và hạch toán như doanh nghiệp. Nên những trường hợp như liên kết đặt máy, mua bán thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các bệnh viện là đơn vị tự chủ hoàn toàn thì hàng năm phải được kiểm toán và công khai. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra lại việc này.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam