Chuyển trạng thái thích ứng an toàn để chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế

11:26 | 11/11/2021 Print
(TBTCO) - Theo các chuyên gia, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã đáp ứng kịp thời tình hình thực tế hiện nay là không thể theo đuổi mục tiêu "zero Covid" được nữa, phải chuyển trạng thái thích ứng an toàn để đảm bảo chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 để thích ứng an toàn Hà Nội triển khai biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 Những nội dung chính 'Thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh'

Nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch

Đánh giá Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện khẩn cấp y tế công cộng cho biết, điểm mới đầu tiên của quy định này là nêu mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Chuyển trạng thái thích ứng an toàn để chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế
Các địa phương đã triển khai thống nhất, đồng bộ Nghị quyết 128 để đảm bảo chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Nam.

Đây là sự chuyển hướng chiến lược của Việt Nam sau gần 2 năm chống Covid-19. Khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, Việt Nam thực hiện các biện pháp hướng tới mục tiêu "zero Covid", đẩy lùi 3 đợt bùng phát dịch bệnh.

Tuy nhiên, đợt bùng phát thứ 4 từ cuối tháng 4/2021, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn đã khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng ở nhiều địa phương. Từ đầu tháng 9/2021, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh tinh thần "không thể cách ly, phong tỏa mãi", mà phải thích ứng an toàn với Covid-19.

Theo ông Phu, các cấp độ nguy cơ dịch bệnh được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí mới, Chính phủ phân loại 4 cấp độ nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời, ngoài tỷ lệ ca nhiễm/số dân/thời gian, quy định bổ sung thêm 2 tiêu chí mới là độ bao phủ vắc-xin; khả năng thu dung, điều trị của các tuyến y tế.

Việc cập nhật tiêu chí về tỷ lệ tiêm chủng và năng lực y tế để đánh giá cấp độ nguy cơ hiện nay có vai trò rất quan trọng, bởi Việt Nam đang tăng tốc bao phủ vắc-xin.

Trong đó, nhiều lĩnh vực của đời sống được quy định thống nhất, rõ ràng về mức độ hoạt động như: Sự kiện tập trung đông người trong nhà hoặc ngoài trời được tổ chức ở cả 4 cấp độ. Với cấp 4, các sự kiện cần đảm bảo về tỷ lệ người tham gia được tiêm chủng, xét nghiệm. Địa phương căn cứ thực tế để quy định số lượng người tham gia. Đây là điểm mới so với các quy định trước. Theo Chỉ thị 16, người dân không ra khỏi nhà, không tập trung quá 2 người nơi công cộng. Chỉ thị 15 yêu cầu không tập trung quá 20 người một phòng; 10 người nơi công cộng.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp... chỉ buộc phải dừng hoạt động ở cấp 4. Các cấp độ khác, những dịch vụ này có thể hoạt động bình thường hoặc hoạt động hạn chế tùy theo quyết định của địa phương.

“Việc đi lại của người dân từ các địa bàn có cấp độ nguy cơ khác nhau chỉ bị hạn chế ở cấp độ 4. Theo quy định, người dân đến từ địa bàn cấp 4 phải đảm bảo điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo quy định trước đây, nếu người dân ở địa bàn thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không được di chuyển đến nơi khác”- ông Phu cho hay.

Cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Nghị quyết 128 được ban hành là hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đây là nghị quyết được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội mong đợi, đồng tình, đánh giá cao và cho rằng nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch.

Chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, góp phần bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong quá trình khai Nghị quyết 128 và các hướng dẫn của các bộ, ngành nếu địa phương thấy chưa sát thực tế hoặc khó triển khai cần đề xuất với các bộ, ngành liên quan để sớm có hướng dẫn cụ thể; đồng thời gửi về Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại dịch Covid-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.

Trên cơ sở thực tiễn đất nước và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19".

Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4.800 của Bộ Y tế, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác... Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.

Về cách ly y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, tùy từng đặc điểm của địa phương, khu vực (mật độ dân cư, tỷ lệ bao phủ vắc-xin) để tiến hành cách ly một cách linh hoạt, đảm bảo an toàn./.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam