Xem xét gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc

10:45 | 11/11/2021 Print
Trong phiên chất vấn đầu giờ sáng 11/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu những bất cập về vấn đề lao động và việc làm khi dịch Covid-19 bùng phát phức tạp. Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới sẽ xem xét gói hỗ trợ cho người lao động quay trở lại làm việc.

Phải có cơ chế ưu đãi cho người lao động

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói về những bất cập bộc lộ - là vấn đề đã tồn tại trước đây như nhà ở, các công trình phúc lợi, đào tạo nghề cho công nhân… khi dịch Covid-19 xảy ra.

Theo Phó Thủ tướng, có 1,3 triệu người lao động dịch chuyển, gồm những đối tượng: người lao động có hợp đồng chính quy làm việc ở các doanh nghiệp lớn, các khu chế xuất, khu công nghệp, cơ bản các doanh nghiệp này vẫn trả một phần lương, đa số này quay lại; số không quay lại muốn chuyển dịch lao động. Đối tượng thứ hai là người lao động nhỏ, thời vụ, không có cam kết dài hạn và đối tượng thứ ba là người lao động tự do; thứ tư là đối tượng đi theo người lao động trông con cháu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xem xét gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc. Ảnh: QH.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xem xét gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc. Ảnh: QH.

“Vấn đề là lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn thì có thiếu. Do đó, phải kiểm soát dịch cho tốt, chúng ta phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong 1 tháng tới đây, phải mở lại trường mẫu giáo, tiểu học, để cho người lao động yên tâm quay trở lại làm việc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ông cho rằng, các địa phương thời gian qua đã rất nỗ lực và “đã làm rất nhiều việc”, thời gian tới cần Trung ương rà soát lại các quy định phòng chống dịch an toàn “nhưng không quá phức tạp, đảm bảo việc xử lý F1, F0 linh hoạt không phức tạp, các doanh nghiệp cũng đừng làm hình thức, khi có ca nhiễm thì đưa hết trách nhiệm về chính quyền”.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, cần đưa ra các quy định tạm thời nhưng thiết thực với doanh nghiệp, người lao động. Các địa phương cũng cần tăng cường kết nối, chủ động kết nối để giải bài toán khi người dân muốn quay trở lại làm việc.

Chia sẻ thêm thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề thiếu hụt lao động sau đại dịch, nhiều nước cũng có tình trạng chung như nước ta, một số nước có hướng mở ra đón lao động nước ngoài. Ngoài ra, các nước đều có gói hỗ trợ đặc biệt cho người lao động quay trở lại làm việc, do đó, “tới đây cần nghiên cứu xem xét để hỗ trợ cho người lao động”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề cập đến một thực tế là người lao động ở một số khu dân sinh rất khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, thời gian tới phải có chương trình, không chỉ là xây dựng nhà ở mà phải xem xét cơ cấu lại sản xuất và lao động, từ bỏ dần lao động giá rẻ, đi vào giá trị gia tăng cao hơn.

Trước đó, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã phản ánh tình trạng nhiều lao động tự do, lao động không đăng ký tạm trú phản ánh chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều người trong khu phong tỏa, cách ly, nhà trọ, ngõ hẻm chật hẹp than vãn bị thiếu đói, nhất là ở các đô thị lớn...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thừa nhận quá trình triển khai, do điều kiện giãn cách, số lượng phục vụ cùng lúc lớn, yêu cầu gấp gáp nên thực hiện còn có khiếm khuyết. "Tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát để những người chưa nhận hoặc chậm nhận, sớm được tiếp cận chính sách", ông Dung khẳng định.

Lao động về quê tránh dịch, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước

Về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các khu công nghiệp, trong báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Quốc hội đã phân tích rất cụ thể về vấn đề này.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề cập sâu vào giải pháp giữ chân người lao động; thu hút người lao động quay trở lại; giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới; giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập; chăm lo an sinh thật tốt, phải có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, vấn đề nơi có thể gửi con, chăm sóc con cái; phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ đó là tiêm vắc-xin.

Trả lời chất vấn của của đại biểu về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu? Có sự lúng túng, bị động không khi nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ có một phần trách nhiệm chứ không phải chịu trách nhiệm chính, vì vấn đề này còn liên quan liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, làn sóng lao động rời bỏ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần, mà là ba lần và theo số liệu của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì con số này vào khoảng 3 triệu người. Đây là ý kiến đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và những ý kiến của cử tri đã được tổng hợp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn đại biểu Quốc hội gửi về Kỳ họp thứ Hai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, từ nay cho đến kết thúc phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ tranh thủ báo cáo giải trình, làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội và trước cử tri.

“Chúng ta phải xác định rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan như thế nào, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với dân”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị./.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam