Nỗ lực giữ CPI không vượt quá chỉ tiêu 4%

07:59 | 14/11/2021 Print
(TBTCO) - Giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, tiêu dùng thế giới và nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi được dự báo sẽ tạo sức ép khiến tác động đến chỉ số CPI tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, với sự quyết liệt điều hành của Chính phủ, nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công thương cho rằng, các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa được thực hiện hiệu quả sẽ kiềm chế lạm phát, giữ chỉ số CPI không quá 4% theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra.

Sức ép từ giá xăng dầu đến chỉ số CPI

Theo Tổng cục thống kê, CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020 và tăng 1,77% so với tháng 10/2020. Tính bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua.

Nỗ lực giữ CPI không vượt quá chỉ tiêu 4%

Giá xăng tăng tạo áp lực tăng CPI trong những tháng cuối năm 2021.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, lạm phát trong 2 tháng cuối năm sẽ tăng do áp lực giá xăng dầu tăng liên tiếp. Mặc dù thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng liên Bộ Công thương - Tài chính trước sức ép của giá thế giới đã điều chỉnh tăng giá xăng vào ngày 10/11 vừa qua. Cụ thể: Tăng 559 đồng/lít đối với xăng E5RON92; tăng 658 đồng/lít đối với xăng RON95-III. Theo các chuyên gia kinh tế, việc buộc tăng giá xăng là một quyết định khó khăn đối với cơ quan nhà nước cũng tạo ra áp lực “đội giá” đối với doanh nghiệp vận tải, logistic.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng, việc xăng dầu tăng giá ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí các loại hình vận tải, nhất là vận tải hành khách.

Dự kiến chi phí liên quan đến doanh nghiệp vận tải, logistic tăng ít nhiều khiến cho chỉ số CPI tháng 11/2021 tăng thêm. Theo tính toán, giá xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí đầu vào của ngành vận tải nên khi giá xăng, dầu biến động tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc giá xăng tăng cao đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng và kéo theo giá cả các mặt hàng khác tăng theo, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Với ngành vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm 40% giá cước vận tải, nên giá xăng dầu tăng chắc chắn cước vận tải tăng theo...

Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nguyên liệu như xăng, dầu và giá vận chuyển sẽ làm góp phần khiến giá thành, chi phí sản xuất cao lên và giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Giải pháp bảo đảm ngăn ngừa lạm phát và hồi phục kinh tế

Đề cập đến chỉ số CPI của năm 2021, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hoá và chỉ số CPI không vượt quá chỉ tiêu 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

“Năm 2021, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra khi CPI bình quân chỉ ở mức khoảng 2%, thậm chí dưới 2% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4%)” - ông Đỗ Thắng Hải nhận định. Do đó, để hạn chế tối đa sức ép tăng CPI, Bộ Công thương tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt 2 nhóm mặt hàng là xăng dầu và điện. Liên Bộ Công thương - Tài chính tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá để hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với mức tăng cao của giá xăng dầu thế giới. Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng 59,08% - 76,03%. Nhờ trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23% - 52,59%. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100 - 2.000 đồng/lít/kg.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ thực hiện 3 giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho nhu cầu trong nước, qua đó giải tỏa áp lực tăng CPI.

Thứ nhất, ngành Công thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả toàn cầu và trong nước, kể cả tình hình lạm phát của các nước trên thế giới, để có sự tham khảo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt là đánh giá, nhận định các mặt hàng nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt về tạm thời hay dài hạn tại thị trường trong nước để từ đó đưa ra những chính sách đối ứng phù hợp.

Thứ hai, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát; nhất là thông tin kịp thời, chính xác về các chính sách, giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương nhằm loại bỏ các thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch.

Thứ ba, trên cơ sở dự báo giá cả thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới, Bộ Công thương đề xuất thực hiện các biện pháp đàm phán nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp cao với các nước có nguồn tài nguyên dồi dào. Trong đó hỗ trợ các doanh nghiệp ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để bảo đảm nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất, qua đó kiểm soát lạm phát, hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu thế giới đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước áp lực giá xăng dầu

Theo PGS.TS, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh, chỉ số CPI tăng không lớn, sẽ trong tầm kiểm soát và mục tiêu đặt ra từ đầu năm của Chính phủ nếu thực hiện có hiệu quả các biện pháp kiềm chế tăng giá đầu vào sản xuất. Trong đó, đặc biệt giá xăng dầu tiếp tục được Liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành hiệu quả, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao.

“Việc giảm thuế để giảm giá mặt hàng xăng dầu là giải pháp dài hạn, cần thời gian để xem xét, đề xuất Quốc hội thông qua. Trước mắt, các doanh nghiệp cần lực hỗ trợ nhanh và mạnh, nên có thể hãm đà tăng giá nhiên liệu bằng việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoặc tăng cường các gói hỗ trợ tài chính khác để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn” - ông Thịnh đề xuất.

Diệu Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam