TP. Hồ Chí Minh:

Chủ động phối hợp quản lý thuế thương mại điện tử

14:12 | 14/11/2021 Print
(TBTCO) - Nhằm gia tăng hiệu quả chống thất thu đối với các hoạt động kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các sở ban ngành, cơ quan chức năng ở cả địa phương lẫn trung ương để có cơ sở đề nghị tổ chức, cá nhân kê khai và nộp thuế, giúp gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Gần 15 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử

Theo lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, để tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế, chống thất thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), cơ quan thuế ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền còn phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán, các nhà mạng để nắm được thông tin về giao dịch, doanh thu, thu nhập từ các nhà cung cấp nước ngoài; từ đó có cơ sở đề nghị các tổ chức này kê khai và nộp thuế.

Nguồn: Tổng cục Thuế
Nguồn: Tổng cục Thuế

Chia sẻ rõ hơn về thực hiện phối hợp, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đối với các tổ chức, cá nhân trong nước có hoạt động bán hàng, cung ứng dịch vụ trên các sàn giao dịch TMĐT, trên các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo…) có thuê các doanh nghiệp (DN) giao nhận, cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa đến tay người mua và uỷ quyền cho các DN này thu hộ tiền bán hàng, cơ quan thuế đã xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các DN cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng, nhất là các DN thu hộ tiền bán hàng (COD) của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT cho cơ quan thuế, với nội dung cung cấp gồm số lượng hàng hóa vận chuyển, số tiền thu hộ.

Tính đến hết tháng 6/2021, chỉ riêng dữ liệu thu thập được của năm 2017 và năm 2018 trên địa bàn thành phố là 14.686 tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền thu hộ gần 15,1 nghìn tỷ đồng. Hiện tại cơ quan thuế đang triển khai xác định về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân trong danh sách, yêu cầu giải trình và xử lý theo quy định đối với các trường hợp sai phạm.

Rà soát xử lý các dữ liệu để tiến hành truy thu thuế

Theo dữ liệu của 4 ngân hàng thương mại đã cung cấp, trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, đã có 4.784 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, Youtube, Netflix, Apple, với tổng số tiền nhận từ nước ngoài là 48 triệu USD và 20 tỷ đồng. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đang rà soát xử lý các dữ liệu này để tiến hành truy thu thuế (nếu có) nộp vào ngân sách nhà nước, nhưng do tình hình Covid-19 trên địa bàn nên hiện vẫn chưa thể triển khai được.

Đối với các tổ chức, cá nhân trong nước thực hiện phương thức thanh toán qua ngân hàng sử dụng tài khoản không đăng ký với cơ quan thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị cung cấp danh sách tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số chứng minh nhân dân của tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT (bao gồm cả trường hợp kinh doanh TMĐT thông qua các sàn TMĐT).

Qua đó, cơ quan thuế gửi xác minh tại tất cả các ngân hàng trên cả nước (nhất là các cá nhân có đăng ký kinh doanh) đề nghị cung cấp sao kê tài khoản giao dịch thanh toán đã mở tại ngân hàng; từ đó xác định được doanh thu kinh doanh TMĐT chuyển các phòng thanh tra kiểm tra, các chi cục thuế quản lý để thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý truy thuế.

Hơn 4,7 nghìn tổ chức, cá nhân có thu nhập từ các thương hiệu công nghệ lớn

Riêng đối với các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ Google, Apple, Youtube, Facebook, Netflix…, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế là tiến hành theo Kế hoạch số 399/KH - BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tiếp tục có văn bản phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để thu thập dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản có liên quan đến các nền tảng cung cấp dịch vụ trực tuyến nước ngoài. Hiện tại, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại và đang chờ thêm thông tin dữ liệu phản hồi.

Còn theo dữ liệu của 4 ngân hàng thương mại đã cung cấp, trong năm 2020 và ba tháng đầu năm 2021, đã có 4.784 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, Youtube, Netflix, Apple, với tổng số tiền nhận từ nước ngoài là 48 triệu USD và 20 tỷ đồng. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đang rà soát xử lý các dữ liệu này để tiến hành truy thu thuế (nếu có) nộp vào ngân sách nhà nước, nhưng do tình hình Covid-19 trên địa bàn nên hiện vẫn chưa thể triển khai được.

Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) làm việc với các công ty đối tác tại Việt Nam của Google (thường gọi là MCN - Multi Channel Network, hệ thống mạng lưới đa kênh) làm nhiệm vụ quản lý các kênh Youtube tự sản xuất nội dung số và có chi hộ tiền của Google cho các cá nhân là các Youtuber tại Việt Nam; sau đó có văn bản đề nghị các MCN khấu trừ thuế nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng cung cấp tên các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nội dung số có nhận thu nhập từ Google mà không đồng ý cho khấu trừ nộp thay thuế. Kết quả ghi nhận là phát hiện 3.101 cá nhân với mức doanh thu 379 tỷ đồng, đã thu nộp vào ngân sách nhà nước được 20 tỷ đồng.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam