Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” đối với nông sản Việt

14:10 | 14/11/2021 Print
(TBTCO) - Đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu sẽ được thực thi. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp và cả người nông dân cần thay đổi nhận thức, cách làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Trung Quốc siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản

Theo Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Lệnh số 248, 249 của Trung Quốc về siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” đối với nông sản Việt
Sản phẩm thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Công ty ORIVI.

Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhận định, đây không phải lần đầu Trung Quốc kiểm soát hồ sơ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) vào thị trường nước này. Sau khi Trung Quốc sử dụng cơ chế một cửa về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) XK, Tổng cục Hải quan nước này chủ trương giám sát ATTP trên cơ sở chủ động. "Trung Quốc muốn đánh giá ngay từ phía các nhà XK, thay vì kiểm tra tại cửa khẩu. Nước bạn sẽ kiểm tra chặt chẽ hồ sơ XK của DN" - ông Lê Thanh Hòa nêu rõ.

Phía Trung Quốc, ông Thang Thành Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, hiện nay nông sản của Việt Nam muốn vào Trung Quốc phải chịu sự kiểm tra 100%. Trong khi đó, hoa quả được Trung Quốc nhập từ Thái Lan chỉ phải kiểm tra 30%.

Chủ động, tuân thủ, tránh bị ngưng trệ xuất khẩu

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, Lệnh 248 chỉ yêu cầu đăng ký với những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc; những doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu đầu vào không chịu áp dụng này. Những doanh nghiệp chưa kịp đăng ký trước ngày 1/11/2021, thì sẽ đăng ký theo quy định có liên quan tại Điều 8 của Lệnh 248. Các doanh nghiệp nếu có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc trong tương lai cũng nên sớm đăng ký để các cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, gửi danh sách sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Với yêu cầu của phía Trung Quốc, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc… Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, 249, tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An cho hay, Trung Quốc siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản vào đầu năm 2022 không phải là vấn đề mới, đây chỉ là việc Trung Quốc thực hiện nghiêm và siết chặt hơn trong kiểm soát nông sản. Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng ngành nông nghiệp Long An không dám nghĩ như vậy. "Từ lâu, chúng tôi đã phải thay đổi phương thức tuyên truyền rằng Trung Quốc khó tính" - bà Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ.

Theo đó, từ năm 2016, tỉnh Long An đã nhận thức việc chuẩn hóa vùng trồng, chất lượng nông sản hàng hóa để đáp ứng tốt hơn thị trường trong nước và XK. Đến nay, Long An đã cấp được 217 mã số vùng trồng cho các loại cây như chanh, thanh long, chuối, dưa hấu.

Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm: thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường thêm cho các loại trái cây Việt Nam khác như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ và dừa...

Như vậy, có thể thấy thị trường Trung Quốc đã trở nên khó tính hơn rất nhiều lần so với trước đây. Các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, trái cây nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các quy định của phía bạn sẽ không thể “đặt chân” sang thị trường này. Đây là điều hoàn toàn khác so với trước.

Tín hiệu khiến tư duy sản xuất nông sản của Việt Nam thay đổi

Trước việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra ATTP đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhiều ý kiến bày tỏ điều này sẽ giúp DN Việt Nam cũng như người nông dân thay đổi tư duy từ kinh doanh đến sản xuất và các cơ quan chức năng cần vào cuộc để hỗ trợ người dân và DN.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Lan Hương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoa Việt, nhấn mạnh: “Trung Quốc là thị trường cả thế giới thèm muốn chứ không chỉ riêng chúng ta. Đặc biệt, với Lệnh 248, Lệnh 249 và các yêu cầu mới mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra là hoàn toàn xác đáng... Pháp lệnh này tạo điều kiện để các DN Việt Nam được thể hiện mình trên bao bì đóng gói”.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, thời gian tới ngành nông nghiệp Việt Nam cần có chiến lược cụ thể để làm thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển.

“Các cơ quan nhà nước cần thành lập trung tâm, tổ công tác để hướng dẫn các DN, hợp tác xã, cơ quan chuyên trách của địa phương thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để được hướng dẫn cụ thể vấn đề này” - bà Hương đề xuất.

Bà Ngô Tường Vy - Phó Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng, những quy định mới của thị trường Trung Quốc là tín hiệu khiến tư duy sản xuất nông sản của Việt Nam thay đổi. Đại diện Công ty Chánh Thu cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nên điều phối, thông báo cho sở NN&PTNT các tỉnh để khảo sát các DN, các cơ sở đã có mã số trước khi phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra trực tuyến.

Cùng quan điểm, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH An Huy (Long An), cũng cho rằng, không chỉ các DN chế biến, đóng gói và XK cần thay đổi mà từng người nông dân cũng cần phải thay đổi suy nghĩ, nuôi trồng thế nào để bán được cho các thị trường khó tính. Đó mới là giải quyết “phần gốc” của vấn đề, mới tạo điều kiện thuận lợi cho XK, bảo vệ và giữ mối quan hệ tốt với thị trường Trung Quốc. Vì vậy, ông Võ Quan Huy đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn trong việc thay đổi lối tư duy này của nông dân. Từ đó các DN chế biến XK có thể tìm đến, tập hợp, để xây dựng những chuỗi sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, minh bạch về vùng trồng vùng nuôi.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của nông lâm, thủy sản Việt Nam

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính chung 10 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản (XKNLTS) ước đạt gần 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường XK lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 10,8 tỷ USD (chiếm 27,9% thị phần), trong đó kim ngạch XK nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4% tỷ trọng kim ngạch XK NLTS của Việt Nam sang thị trường này; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 7,5 tỷ USD (chiếm 19,3% thị phần) với kim ngạch XK nhóm rau quả chiếm tới 23,4% tỷ trọng kim ngạch XK NLTS…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến từng khẳng định, Trung Quốc là thị trường XK nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam, có mức tăng trưởng khá. Hai thị trường có tính chất bổ trợ cho nhau không phải cạnh tranh, cho nên cả hai bên đều rất tích cực đẩy mạnh thương mại. Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán mở cửa thị trường các loại nông sản. Hiện Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... các nông sản và đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc có rất nhiều quy định mới. Các quy định mới này sẽ được phổ biến cho các tỉnh, thành phố, DN, hiệp hội ngành hàng, nông dân bắt nhịp để khi đưa hàng lên biên giới đảm bảo được những tiêu chí theo quy định mới của Trung Quốc như: an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch động thực vật để việc thông quan được liên tục.

Bên cạnh đó, về hạ tầng như hệ thống kho bãi, giao thông, cảng đảm bảo hàng hóa được thông suốt từ các tỉnh phía Nam đưa ra XK được ngay, không phải lưu kho, lưu bãi. Nếu trong trường hợp còn tồn đọng thì có hệ thống kho bãi, kho lạnh để lưu giữ, không làm giảm chất lượng nông sản.

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam