Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Phiên chất vấn đầu tiên tại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV thành công tốt đẹp

14:59 | 12/11/2021 Print
Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.
Chùm ảnh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Đại biểu chất vấn về quyên góp từ thiện, ba Bộ trưởng tham gia trả lời Nhiều cán bộ y tế vướng lao lý, đại biểu Quốc hội chất vấn về trách nhiệm quản lý Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Những nội dung chính của phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Cuối giờ sáng ngày 12/11, phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ, trách nhiệm cao với tinh thần đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV, trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.

Cùng với các Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, các thành viên Chính phủ có liên quan đã có 13 lượt ý kiến tham gia làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đã có 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn, trong đó có 12 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ. Có 24 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Việc tổ chức có những đổi mới so với trước đây nhưng các vị đại biểu Quốc hội đã nắm chắc thực tiễn với tinh thần xây dựng cao, tiến hành chất vấn bằng các câu hỏi ngắn gọn, rõ và bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ vấn đề, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu. Đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp cho thấy những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là đúng và trúng, phù hợp với thực tế được cử tri, dư luận cả nước quan tâm và đánh giá cao. Trong đó, bao trùm là hai vấn đề lớn.

Thứ nhất là thực trạng và kết quả bài học kinh nghiệm của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua; Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, để đảm bảo yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và không để dịch bệnh bùng phát trở lại trong thời gian tới.

Thứ hai là việc ban hành và tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, trong thời kỳ hậu đại dịch. Gói kích thích kinh tế, tài khóa và tiền tệ và những giải pháp tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

“Điều đó một lần nữa khẳng định chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát. Quốc hội hoan nghênh sự cầu thị nghiêm túc, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. Sau phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn./.

Xây dựng chương trình phục hồi gắn với gói kích thích kinh tế

Trước đó, phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay trong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để giúp Chính phủ xây dựng, ban hành và triển khai chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, gắn với khung khổ đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm.

Về thiết kế Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các phiên thảo luận và chất vấn nổi lên một số yêu cầu rất cụ thể. Trong đó, Chương trình này phải gắn với việc xây dựng gói kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh gói kích thích tới đây phải chú trọng vấn đề tổng cung và tổng cầu, không chỉ là phục hồi kinh tế mà cả phục hồi, phát triển về xã hội.

Cùng với đó, gói kích thích kinh tế này phải bao gồm cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phải phối hợp rất tốt giữa hai chính sách này với các chính sách vĩ mô khác, trên cơ sở đảm bảo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô.

Chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế này cũng phải có lộ trình phù hợp, dự kiến chỉ trong hai năm 2022-2023 rồi sau đó quay trở lại bình thường; có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi cao và dẫn vốn được vào những khu vực thực sự cấp bách, thực sự cần thiết và có khả năng hấp thụ được vốn. Đồng thời, cần phải xây dựng các chương trình quản lý rủi ro, bảo đảm việc huy động, phân bổ các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong quá trình phân bổ và sử dụng các gói hỗ trợ.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam