Sản xuất của doanh nghiệp đang dần thích ứng trạng thái bình thường mới

13:27 | 13/11/2021 Print
Sau 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đến nay, doanh nghiệp tại nhiều địa phương đang từng bước phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp hoạt động hết công suất để đáp ứng đơn hàng…
TP. Hồ Chí Minh: Duy trì sản xuất trên hết phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động TP. Hồ Chí Minh: Sẵn sàng đón lao động trở lại

“Đầu tàu” trọng điểm phía Nam hồi phục sau dịch Covid-19

Theo khảo sát của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi, khi chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020, khi các doanh nghiệp (DN) dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.

Tại các tỉnh, thành tập trung nhiều khu công nghiệp trọng điểm phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, các DN đã thích ứng dần với việc sản xuất.

Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh, việc đầu tư sản xuất bắt đầu được khôi phục nhanh, khả quan và tích cực, nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước…

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP: Sản xuất của doanh nghiệp dần thích ứng trạng thái bình thường mới
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP: Sản xuất của doanh nghiệp dần thích ứng trạng thái bình thường mới. Ảnh: TL minh họa

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza), đến thời điểm hiện nay, đã có 1.355 DN hoạt động (chiếm 96% trên tổng số lượng 1.412 DN hoạt động khi chưa có dịch). Số lượng lao động làm việc trong các DN là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường.

Về tình hình đầu tư, ông Hưng cho biết, từ đầu năm đến tháng 10/2021, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh là 437 triệu USD, đạt 80% so với kế hoạch (550 triệu USD). Trong đó, kể từ ngày 1/10, khi thành phố hết giãn cách, Hepza ghi nhận các DN thực hiện thủ tục điều chỉnh tăng vốn và liên hệ chủ đầu tư phát triển hạ tầng thuê thêm đất mở rộng sản xuất.

Một số nhà đầu tư FDI như dự án Pin Platinum đã làm việc với Hepza để tìm hiểu quy trình đầu tư, đặt vấn đề thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp mới với quy mô vốn tương đối lớn (trên 200 triệu USD), dự kiến thuê khoảng 15 ha đất tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP chưa đồng bộ doanh nghiệp gặp khó

Tuy nhiên, bên cạnh dấu hiệu tích cực với những dấu hiệu phục hồi, tại tọa đàm trực tuyến của Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng diễn ra ngày 11/11/2021, ý kiến của DN cho rằng, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào.

Một số hướng dẫn về thích ứng với dịch Covid-19 trong bối cảnh mới tại Nghị quyết 128/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn chưa cụ thể, gây ra một số khó khăn cho các địa phương, DN khi áp dụng – đặc biệt là quy trình xử lý khi có ca F0 tại các cơ sở sản xuất; quy trình cách ly, phòng dịch đối với các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin, các đối tượng F1, F2; chưa có các hướng dẫn thống nhất về việc theo dõi sức khỏe tại nhà…

Một số địa phương vẫn còn tình trạng áp dụng không thống nhất các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Mặt khác, các quy định về phòng dịch hiện nay vẫn đang làm phát sinh nhiều chi phí, dẫn đến tình trạng khó khăn về thanh khoản cho các DN, đặc biệt là trong bối cảnh DN rất cần nguồn tài chính ổn định để đáp ứng các đơn hàng mới khi phục hồi sản xuất những tháng cuối năm 2021.

Đại diện hiệp hội ngành hàng cho rằng, để đảm bảo phục hồi sản xuất, DN cần sự trợ lực của các cơ quan chức năng trong việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm về sản xuất. Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP, tránh tình trạng ban hành và thực thi các chính sách không phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch trong bối cảnh mới của Chính phủ gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao động.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện để lực lượng lao động trở lại làm việc – đặc biệt là tại các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn trong thời gian sớm nhất, bảo đảm việc tiếp cận hiệu quả các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho người lao động để nhanh chóng phục hồi nguồn cung lao động phục vụ sản xuất.

Nhằm giảm áp lực về tài chính, các hiệp hội ngành hàng cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín tụng, tiền tệ, hỗ trợ các chi phí an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…), giúp DN từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam