Bàn giải pháp kéo giảm chi phí đầu vào vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam

09:41 | 14/11/2021 Print
Thách thức về diễn biến dịch Covid-19, giá vật tư đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng tới vụ Đông Xuân 2021 - 2022 các tỉnh phía Nam. Để đảm bảo sản xuất đúng tiến độ, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, các địa phương và người sản xuất đang chú trọng các giải pháp để kéo giảm chi phí đầu vào.

Sáng 13/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chương trình trực tuyến với nội dung kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam.

Giá vật tư đầu vào tăng cao

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, những yếu tố quyết định đến giá thành của nông sản Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vốn, vật tư đầu vào và lao động. Nếu làm tốt khâu giống thì sẽ giảm được vật tư đầu vào.

Những năm trước, vụ Đông Xuân luôn là vụ sản xuất có sản lượng cao nhất với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay đối mặt với tình trạng giá vật tư đầu vào tăng cao khiến cả nông dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Làm gì để kéo giảm chi phí đầu vào vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh phía Nam?
Phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Ảnh: TL minh họa

Ông Phan Văn Tâm - Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền cho hay, hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân phón, ngay cả với Bình Điền, việc tìm nguồn cung cấp cũng đang gặp không ít khó khăn.

Giá nguyên liệu phân URE trên thị trường thế giới hiện đã lên trên 1.000 USD/tấn, như vậy một bao 50kg tương đương với hơn 1 triệu đồng, các loại khác như SA hay KCL cũng ở mức rất cao. Giá nguyên liệu phân bón tăng cao là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam. Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên hầu như không thể can thiệp để giảm giá.

Cùng với việc giá phân bón tăng, vấn đề giống sản xuất cũng có nhiều lo ngại. Đại diện Công ty CP Giống cây trồng miền Nam cho biết, vừa qua có hiện tượng bán giống bao trắng, giống giả làm ảnh hưởng đến cả năng suất và chất lượng sản phẩm của bà con nông dân. Đặc biệt, tình trạng giống giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của các đơn vị làm lúa gạo của Việt Nam.

Liên quan đến giống, ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang chia sẻ, hiện nay, có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng giữa các đại lý tới tay người nông dân nên gây khó khăn cho việc quản lý. Bên cạnh đó, giá bán giống lúa, nhất là những giống lúa bản quyền liên tục tăng, trước đây giá bán trung bình 13.500 đồng/kg, nay đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg, có giống lên tới 15.800 đồng/kg.

Về vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay theo ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang đang có mức tăng từ 30-40%, trong khi giá bán lúa không tăng đang tạo gánh nặng chi phí, giảm lợi nhuận của người trồng lúa.

Đề xuất cần các mô hình giảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân

Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 thắng lợi, ông Lê Hữu Toàn đề nghị các đơn vị sản xuất giống nghiên cứu đến việc chia sẻ bản quyền giống trên cơ sở thỏa thuận giá bán hợp lý. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân có điều kiện tiếp cận được với những giống bản quyền, giống chất lượng cao với giá thành thấp nhất.

Đối với phân bón, theo ông Phan Văn Tâm nhận định, giá phân bón thế giới khó có khả năng giảm trong thời gian tới, do đó, các cơ quan chức năng nên có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó.

"Giải pháp để thích ứng là trước mỗi mùa vụ cần có các diễn đàn thảo luận sâu về tình hình thị trường, đưa ra các dự báo về vật tư đầu vào trong giai đoạn đó. Từ những dự báo này chúng ta sẽ đưa ra được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào. Ngoài ra, trong bối cảnh giá phân vô cơ tăng cao, các địa phương cũng nên khuyến nghị nông dân tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có cho cây trồng" - ông Phan Văn Tâm đề nghị.

Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang đề xuất, sắp tới phải có các mô hình, hướng dẫn để giảm giá thành của sản phẩm, giảm chi phí sản xuất cho bà con.

“Các cơ quan như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt có thể đưa ra mô hình giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất để Sở NN&PTNT triển khai xuống với bà con” - ông Trương Kiến Thọ đề xuất.

Đối với các chính sách, Sở NN&PTNT An Giang kiến nghị có nguồn vốn cho hợp tác để có thể nhận được sản phẩm, vật tư nông nghiệp từ nhà máy, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân. Ngoài ra, trong đợt thu hoạch rộ vào tháng 2-3 tới, vì khối lượng nhiều nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn để thu mua nên có thể nghiên cứu phương án thế chấp lúa gạo để vay vốn ngân hàng, đảm bảo quá trình thu mua được liên tục, không ảnh hưởng đến giá lúa. Các cơ quan chức năng triển khai, mở rộng hệ thống kho chứa phục vụ nhu cầu sản xuất, lưu trữ lúa gạo trong thời điểm thu hoạch rộ, đảm bảo giá lúa ổn định cho người trồng lúa.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, các tỉnh phía Nam dự kiến gieo cấy trên 1,6 triệu ha, đến nay chỉ mới xuống giống 300.000 ha.

Trong cơ cấu chi phí sản xuất lúa gạo, chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiến gần 50%. Với diện tích gieo sạ dự kiến, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ sẽ cần khoảng hơn 160.000 tấn lúa giống. Về phân bón, dự tính nhu cầu phân URE hơn 300.000 tấn, 560.000 tấn lân, 77.000 tấn kali cộng với hơn 450.000 tấn phân hỗn hợp./.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam