Nhiều điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công

08:57 | 15/11/2021 Print
(TBTCO) - Là cơ quan quản lý và kiểm soát chi nguồn ngân sách nhà nước, các đơn vị Kho bạc Nhà nước tại các địa phương đã tham mưu, đề xuất giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Theo đó, ngoài sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, nhiều địa phương đã có thêm những cách làm hay, sáng tạo riêng làm cho “bức tranh” tổng thể về giải ngân vốn đầu tư công của cả nước thêm nhiều gam màu sáng.

Báo cáo thường xuyên và kịp thời gỡ vướng mắc phát sinh

Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh giải ngân vốn đầu tư công phải kể đến đó là Thái Nguyên, khi địa phương này có tỷ lệ giải ngân đạt 82% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đứng trong top 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước tại thời điểm này.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hường - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Nguyên cho biết, đồng hành cùng các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư và tăng cường vai trò tham mưu trong quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), thời gian qua, KBNN Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát chi và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2021. Ngoài ra, KBNN Thái Nguyên cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn liên quan và chủ đầu tư nắm bắt tình hình thực tế tiến độ thực hiện các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thanh toán nhanh nguồn vốn cho dự án.

Cầu Hòa Bình 2 đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để chuẩn bị cho lễ thông cầu chính thức trong tháng 11 này. Ảnh: ĐỨC MINH
Cầu Hòa Bình 2 đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để chuẩn bị cho lễ thông cầu chính thức trong tháng 11 này. Ảnh: Đức Minh

Theo chia sẻ của bà Hường, Thái Nguyên cũng có những thuận lợi hơn các địa phương khác là đã kiểm soát tốt dịch Covid-19. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp lãnh đạo địa phương nên trong 5 tháng qua, Thái Nguyên hầu như không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nên các hoạt động vẫn diễn ra ổn định. Hơn nữa, tại các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh đều có kiểm điểm trách nhiệm của các sở, ngành khi để công tác giải ngân vốn đầu tư chậm trễ, không tuân theo các văn bản chỉ đạo. Về phía KBNN Thái Nguyên cũng đã thực hiện báo cáo lãnh đạo tỉnh hàng tuần đối với những dự án chậm tiến độ.

Là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, ngoài việc tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, Hòa Bình cũng đã có cách làm riêng.

Ông Lê Hoài Thanh - Giám đốc KBNN Hòa Bình cho biết, đơn vị đã rất tích cực trong việc phối hợp, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện giải ngân ngay nguồn vốn khi có khối lượng hoàn thành. Đặc biệt, các cán bộ kho bạc đã rất sát sao với từng chủ đầu tư; các chủ đầu tư cũng rất sát sao trong việc báo cáo tiến độ thực hiện. “Chính nhờ sự trao qua đổi lại thường xuyên này mà các vướng mắc, khó khăn trong việc giải ngân vốn được giải quyết kịp thời, vừa giúp cho tiến độ giải ngân nhanh chóng, vừa giúp cho nguồn vốn phát huy hiệu quả” - ông Thanh chia sẻ.

Dự án Cầu Hòa Bình 2 - một trong những dự án trọng điểm mang ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình trong năm vừa qua là một minh chứng cụ thể. Nhờ sự sát sao trong việc báo cáo các vướng mắc phát sinh kịp thời mà dự án đã giải ngân vượt tiến độ tới hơn 1 năm.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình cho biết, Cầu Hòa Bình 2 có tổng mức đầu tư 591 tỷ đồng và dự kiến thực hiện trong 3 năm (2020 - 2022). Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua dự án đã thực hiện thông xe kỹ thuật và trong tháng 11 này sẽ thực hiện thông xe hoàn toàn. Như vậy, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ hơn 1 năm với 533 tỷ đồng đã được giải ngân (khoảng 93% kế hoạch vốn).

Chia sẻ về tiến độ giải ngân của dự án, ông Tuấn cho biết, ban quản lý đã nghiêm túc thực hiện báo cáo theo quy định. “Với những tình huống bất ngờ xảy ra như phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng của thời tiết, khó khăn về nguyên vật liệu… chúng tôi đã ngay lập tức báo cáo để các cấp lãnh đạo tháo gỡ và thực hiện tăng ca bù. Cầu Hòa Bình 2 sau khi đưa vào sử dụng sẽ giúp giải tỏa việc ách tắc giao thông tại cầu số 1 hiện nay”- ông Tuấn nói.

Dịch vụ công trực tuyến của kho bạc - cầu nối giúp giải ngân nhanh

Có thể thấy, ngoài việc tham mưu kịp thời các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của kho bạc chính là một bước cải cách lớn giúp cho công tác giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh.

Đến hết tháng 10 vừa qua, tỷ lệ giải ngân của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã đạt 86% kế hoạch vốn. Theo bà Hà Thị Thanh Nhàn - Phó Giám đốc KBNN huyện Mộc Châu, kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các cán bộ kho bạc khi luôn thực hiện đôn đốc các chủ đầu tư đối chiếu số liệu, triển khai thực hiện giải ngân ngay khi được giao dự toán.

Đặc biệt, theo bà Nhàn, nhờ thực hiện giao dịch trên DVCTT nên công tác giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn huyện được hỗ trợ rất nhiều. “Hiện tất cả các chứng từ chi được các chủ đầu tư thao tác trên phần mềm và gửi đến KBNN, với thời gian thao tác ngắn chỉ từ 5 - 10 phút. Sau đó, chỉ trong vòng 1 ngày, chủ đầu tư đã nhận được nguồn vốn từ kho bạc”- bà Nhàn cho biết.

Ông Nguyễn Thế Nghĩa - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mộc Châu cũng cho biết, đơn vị có 312 dự án đang triển khai thực hiện giải ngân qua KBNN huyện. “Thực hiện giao dịch trên DVCTT đã giúp cho công tác giải ngân các dự án của đơn vị nhanh hơn rất nhiều. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kế toán của ban rất thuận lợi trong công tác, khi không cần phải di chuyển tới kho bạc nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ, giúp cho nguồn vốn nhanh chóng đến được các công trình” - ông Nghĩa cho hay.

Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi khối lượng vốn cần giải ngân còn lớn. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo các văn bản quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các địa phương phải chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương mình.

KBNN cũng đã yêu cầu toàn hệ thống đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch; chủ động kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN.

Kho bạc Nhà nước địa phương phát huy vai trò đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn

Là địa phương đang có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 65% - theo báo cáo của Bộ Tài chính), tỉnh Vĩnh Phúc đang đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh công tác này trong 2 tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Hồng Cương - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Vĩnh Phúc, cho biết KBNN đã thường xuyên nắm bắt tình hình thi công của các dự án và báo cáo lãnh đạo tỉnh những khó khăn vướng mắc tại các công trình, dự án có tiến độ giải ngân chậm để tham mưu với tỉnh có giải pháp kịp thời. KBNN Vĩnh Phúc cũng thường xuyên có văn bản đôn đốc chủ đầu tư nhanh chóng nghiệm thu hồ sơ thanh toán để chuyển KBNN giải ngân.

Tại Hòa Bình, để hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý ngân sách đảm bảo nguồn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán vốn. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi đến kho bạc.

Về phía KBNN Hòa Bình, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc giao dịch thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn trên dịch vụ công trực tuyến, giúp công tác kiểm soát thanh toán được minh bạch, công khai và rút ngắn được thời gian thanh toán vốn đầu tư, giúp nguồn vốn nhanh chóng đến các công trình để hoàn thành đúng tiến độ.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam