Đảm bảo cân đối ngân sách cuối năm

08:57 | 15/11/2021 Print
(TBTCO) - Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ dự toán ngân sách năm 2021, những tháng cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, đảm bảo cân đối, hỗ trợ chống dịch.

140 nghìn tỷ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Để ứng phó với dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã được ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021; miễn, giảm thuế, tiền chậm nộp trong năm 2021 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ và cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm ngành dịch vụ (du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, chiếu phim, thể thao, giải trí,...).

Ngoài ra, thực hiện giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021; miễn, giảm 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021; cho tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Tổng số tiền thực hiện các chính sách nêu trên dự kiến khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Ước tính số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn đã đạt khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng cho khoảng 120 nghìn doanh nghiệp và gần 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó: 78,84 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ (gồm: gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT) 44,74 nghìn tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 31,32 nghìn tỷ đồng; thuế GTGT và thu nhập cá nhân (TNCN) của hộ, cá nhân kinh doanh 329 tỷ đồng; tiền thuê đất 2,45 nghìn tỷ đồng); 16,26 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (bao gồm 13,44 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách ban hành năm 2020 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021).

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ hoạ: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Về nhóm các chính sách về chi NSNN, Bộ Tài chính cho biết, tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách cho các lực lượng y tế, quân đội, công an tham gia tuyến đầu chồng dịch, quy định về chi phí cách ly, khám, chữa bệnh; chi hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch Covid-19; chi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ người dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Theo đó, dự kiến hỗ trợ cho khoảng 14,95 triệu người lao động và người sử dụng lao động, với nhu cầu thực hiện chính sách ước tính khoảng 26,25 nghìn tỷ đồng, trong đó: chi từ NSNN khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng; nguồn tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 7,45 nghìn tỷ đồng; 3 quỹ bảo hiểm là 16,65 nghìn tỷ đồng. Những chính sách nêu trên được thực hiện với nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Để đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành NSNN năm 2021 chặt chẽ, ưu tiên cân đối nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, như: yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết định sử dụng một phần kết dư của từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và 8 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người sử dụng lao động thông qua việc giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0%.

Tập trung mọi nguồn lực cho chống dịch

Thời gian qua, NSNN đã chi 47,3 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 (29,95 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (17,36 nghìn tỷ đồng); trong đó, đã quyết định chi từ ngân sách trung ương khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng, từ ngân sách địa phương khoảng 22,7 nghìn tỷ đồng.

Tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết

Trong tổ chức điều hành chi ngân sách, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục rà soát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Đối với hoạt động mua vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, để có thêm nguồn kinh phí mua và tiêm vắc-xin, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 để huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Đến 17 giờ ngày 11/11, quỹ đã huy động được 8.795,5 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi từ quỹ 7.470,2 tỷ đồng để mua và nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin.

Tình hình dịch bệnh từ nay đến hết năm vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 đã được Quốc hội quyết định, bên cạnh việc tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động cân đối, đảm bảo tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước, huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách khác theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, ngành Tài chính tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh; tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về kinh tế, tiền tệ và tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong tổ chức điều hành chi ngân sách, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục rà soát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Phấn đấu thu đạt và vượt dự toán năm

Tính từ đầu năm đến 31/10/2021, thu ngân sách nhà nước đạt 1.224,3 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán. Cùng với việc triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo quy định, các cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách, phấn đấu đảm bảo các cân đối thu - chi NSNN theo dự toán đề ra.

Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 29/10 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, năm 2021 là năm vô cùng vất vả, chưa năm nào khó khăn như thế do tác động của đại dịch. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt. Trong khó khăn, ngành Tài chính vẫn phấn đấu tăng thu so với dự toán đề ra; chi ngân sách không vượt dự toán, tiết kiệm chi và có nguồn lực để phát triển kinh tế và chống dịch.

Về chi NSNN, chi 10 tháng đạt 1.149,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 10 tháng có thặng dư; tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam