Minh bạch về giá trong cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế

22:31 | 14/11/2021 Print
(TBTCO) - Trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm chính thức được quản lý giá khi Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Với các quy định tại nghị định sẽ giúp công khai, minh bạch trong cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế.
Sẽ rà soát để đưa trang thiết bị vật tư y tế vào diện bình ổn giá Giải pháp kịp thời giúp đảm bảo trang thiết bị y tế phòng dịch

Giá xét nghiệm khác nhau giữa các giai đoạn và giữa các cơ sở y tế

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, xét nghiệm là công cụ quan trọng nhất không gì thay thế được trong giám sát dịch, ví như đánh giặc thì phải nhận diện được địch, xét nghiệm chính là công cụ để nhận diện dịch ở đâu, quy mô thế nào và lây truyền ra sao.

Minh bạch về giá trong cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế
Minh bạch cung ứng trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế. Ảnh: TL.

Trong giai đoạn đầu của dịch, các sinh phẩm mới được phát triển, năng lực cung cấp hạn chế trong khi nhu cầu rất cao trên toàn thế giới, giá xét nghiệm sẽ cao. Sau đó, các nhà sản xuất nâng cao năng lực, sản xuất nhiều hơn, tính cạnh tranh cao hơn, giá sinh phẩm giảm xuống theo cơ chế thị trường là điều dễ hiểu. Cùng một thời điểm giá xét nghiệm có thể khác nhau khi loại sinh phẩm khác nhau.

Tùy theo từng cơ sở xét nghiệm mua được loại sinh phẩm nào phù hợp mục đích yêu cầu thì giá cũng sẽ khác nhau. Thông tư 14 năm 2020 của Bộ Y tế quy định 6 nhóm sản phẩm tùy theo xuất xứ và được phê duyệt bởi cơ quan nào, như FDA (Hoa Kỳ) hay châu Âu, Úc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay tự công bố chất lượng hoặc từ các nước không thuộc các quốc gia tham chiếu, giá sinh phẩm cũng sẽ khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn về chuyên môn, như khi nào thì dùng test nhanh, khi nào dùng xét nghiệm realtime PCR, xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp và hướng dẫn về giá với từng loại xét nghiệm mẫu đơn mẫu gộp tương ứng.

Đối với xét nghiệm realtime PCR, để giảm giá cho xét nghiệm này, cần thực hiện mẫu gộp. Tuy nhiên, khi phát hiện mẫu dương tính, cần lấy lại mẫu hoặc làm lại, nên chi phí sẽ tăng thêm trong thực tế.

Giá của xét nghiệm kháng nguyên nhanh có biên độ cao, nguyên nhân là giá sinh phẩm đầu vào. Trước ngày 1/7/2021, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm. Từ ngày 1/7/2021, do nhiều công ty nhập test từ nước ngoài và trong nước cũng đã sản xuất được nên giá test rất khác nhau, đây chính là nguyên nhân của sự khác biệt về giá hiện nay.

Đối với các cơ sở y tế tư nhân giá được tự công bố thì biên độ còn khác biệt hơn nữa tuỳ thuộc vào số lượng xét nghiệm, mục đích sử dụng, nguồn gốc sinh phẩm, hoá chất, độ nhạy, độ đặc hiệu và cơ sở vật chất, chi phí trong quá trình triển khai xét nghiệm.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có các công văn chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm đảm bảo hiệu quả và chi phí hợp lý, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Việc công khai giá về sinh phẩm hoá chất, trang thiết bị y tế có vai trò quan trọng trong xác định giá và chi phí xét nghiệm.

Đưa trang thiết bị vật tư sinh phẩm y tế vào quản lý giá

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật Giá. Giữa trang thiết bị y tế, sinh phẩm giá cũng khác nhau qua các thời điểm, có thời kỳ nhu cầu sử dụng lớn, giá thành sẽ cao hơn. Các doanh nghiệp thời gian qua tham gia nhiều vào thị trường nên giá thay đổi, đã hạ.

Để giảm giá thành xét nghiệm, Bộ Y tế đã liên tục có những hướng dẫn về gộp mẫu, ngay từ khi xảy ra dịch tại Bắc Giang đã gộp mẫu, kể cả với test nhanh có thể gộp 3, mẫu 5; đối với test PCR có thể gộp 10. Thậm chí tại Đà Nẵng đã gộp mẫu 20. Đồng thời, Bộ Y tế cũng liên tục có các điều chỉnh trong chiến lược xét nghiệm, tuỳ từng thời điểm, tuỳ tình hình thực tế trên quan điểm phòng chống dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trước thời điểm 1/7/2020, lượng test nhanh sử dụng không nhiều. Sau 1/7, Bộ Y tế tiên lượng thị trường sôi động hơn, việc sử dụng test cũng sẽ nhiều hơn, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu thực hiện theo "phương thức thực chi, trong trường hợp người dân đến xét nghiệm thì chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào". Vì vậy có hiện tượng chênh giá giữa các đơn vị tư nhân.

Từ tháng 5/2021, Bộ Y tế đã có 2 văn bản nhắc các cơ sở y tế không thu tiền xét nghiệm sàng lọc người đến khám và người tham gia BHYT thì BHYT thanh toán; người không tham gia BHYT thì ngân sách nhà nước chi trả.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế và sinh phẩm. Có thể nói đây là một trong những Nghị định làm thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế qua mấy điểm lớn. Một là công khai, minh bạch toàn bộ trong quá trình quản lý; hai là chuyển từ phương thức là tiền kiểm sang hậu kiểm; ba là phương thức quản lý phù hợp với quốc tế.

Đặc biệt đối với vấn đề về quản lý giá và trang thiết bị cũng như sinh phẩm, chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm, trong đó chỉ tính giá tối đa./.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, từ tháng 7/2020, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các công ty kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải niêm yết giá trên Cổng Công khai niêm yết giá của Bộ Y tế, đến nay có 69.235 sản phẩm niêm yết giá; 93.253 kết quả công khai niêm yết giá. Từ đó các cơ quan, đơn vị tham khảo xây dựng kế hoạch đấu thầu cũng như triển khai đấu thầu, cung ứng.

Đồng thời, tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị. Trước đây có ít mặt hàng được cấp phép, tuy nhiên sau khi các doanh nghiệp trên thế giới tăng cường sản xuất thì đến thời điểm này đã cấp phép 131 sản phẩm, sinh phẩm chẩn đoán. Trong đó test nhanh 60, PCR là 43 và kháng thể là 28.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam