Hải quan giải đáp các vướng mắc, tạo thuận lợi doanh nghiệp FDI vượt qua dịch Covid-19

18:30 | 15/11/2021 Print
(TBTCO) - Ngày 15/11, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19. Hội nghị có sự tham gia của một số cục hải quan tỉnh, thành phố; đại diện Liên minh Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VBF) và hơn 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tích cực thu thập thông tin để ngăn chặn buôn lậu Tiếp sức cho người dân vượt qua dịch bệnh Ngành Hải quan cơ bản hoàn thành dự toán thu ngân sách
Đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan có mặt tại đầu cầu trụ sở Tổng cục để giải đáp các vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan có mặt tại đầu cầu trụ sở Tổng cục để giải đáp các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Đồng Chủ tịch Liên minh diễn đàn kinh tế Việt Nam (VBF) Funayama Tetsu đánh giá cao vai trò của Tổng cục Hải quan, các cục hải quan tỉnh, thành phố trong việc khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã thiết lập kênh đối thoại trực tuyến để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thành viên của VBF nói riêng.

Ông Funayama Tetsu mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các đơn vị vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan trong việc giải đáp vướng mắc của các doanh nghiệp gửi đến trước, trong và sau hội nghị trực tuyến.

Chia sẻ về tình hình hoạt động của hải quan – doanh nghiệp 10 tháng qua, ông Phạm Xuân Trường - Tổ trưởng Tổ Cải cách nghiệp vụ, Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhất là trong quý 3 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm bớt lao động, trong đó có các doanh nghiệp FDI.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát hơn 500 tập đoàn, doanh nghiệp FDI trên phạm vi cả nước nhằm đánh giá những tác động của đại dịch, giải pháp ứng phó kiến nghị mà cộng đồng doanh nghiệp đề xuất trong thời gian tới. Có 97% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có 52% doanh nghiệp bị tác động vừa phải và 44% doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng.

Tính đến hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 538,96 tỷ USD, tăng 22,5% (tương ứng với 91,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI đóng góp 373,79 tỷ USD (chiếm 69,35 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước) gồm kim ngạch xuất khẩu đạt 197,36 tỷ USD, tăng 20,7% và kim ngạch nhập khẩu đạt 176,43 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ông Trường, trong Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan-doanh nghiệp năm 2021, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cũng như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu, xử lý vi phạm.

Tổng cục Hải quan cũng tổ chức nhiều hoạt động (hội nghị, trao đổi, tọa đàm theo hình thức trực tuyến) để hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp, phương án nhằm giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi song vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng, chống dịch bệnh.

Các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung thực thi các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp như xây dựng kế hoạch hành động, phương án dự phòng hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều đơn vị trọng điểm đã mở các kênh thông tin trực tiếp đến lãnh đạo doanh nghiệp, nhân viên làm xuất nhập khẩu qua nhiều hình thức; thành lập và kiện toàn các tổ công tác hỗ trợ. Một số đơn vị đã đưa ra những giải pháp sáng tạo nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch.

Tại hội nghị, đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý rủi ro của Tổng cục Hải quan đã trao đổi, làm rõ hơn 30 vướng mắc, vấn đề xung quanh thủ tục hải quan, trị giá, hoàn thuế, phân luồng… mà các doanh nghiệp đã gửi đến Tổng cục Hải quan trước đó.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam