Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam

07:34 | 16/11/2021 Print
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, dẫn đến tập quán tiêu dùng có sự điều chỉnh, thay đổi, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Đây là cơ hội cho rau quả chế biến của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu.

Thị trường rau quả chế biến tăng 7% năm

Theo Trung tâm thương mại quốc tế, xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây hoặc các bộ phận khác của thực vật (mã HS 20) toàn cầu giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 2,0%/năm, từ 59 tỷ USD năm 2016 tăng lên 63,75 tỷ USD năm 2020.

Dẫn đầu thế giới về trị giá xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây hoặc các bộ phận khác của thực vật là Liên minh châu Âu (EU), tốc độ xuất khẩu giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 2,76%/năm, từ 22,73 tỷ USD năm 2016 tăng lên 25,24 tỷ USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới tăng từ 38,53% năm 2016 lên 39,59% năm 2020.

Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam
Chế biến vải thiều xuất khẩu. Ảnh: TL minh họa

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương cũng cho hay, thị trường rau quả chế biến toàn cầu dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2020 – 2027. Do lối sống bận rộn, người tiêu dùng xem các sản phẩm trái cây và rau củ đã qua chế biến như một giải pháp tiết kiệm thời gian mà vẫn có nguồn năng lượng bổ sung cho cơ thể.

Trong khi đó xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam cũng đạt được kết quả đáng khích lệ trong những năm trở lại đây.

Việt Nam là nước nhiệt đới với sự ưu đãi về điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp cho sản xuất nhiều loại trái cây. Những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển ngành công nghiệp chế biến trái cây, hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trái cây cả nước. Để chủ động nguồn cung sản phẩm chế biến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo đề án “Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới”.

Đến nay, Việt Nam là thị trường xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 9 toàn cầu, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thị trường thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 22,15%/năm, từ 424,17 triệu USD năm 2016 tăng lên 929,78 triệu USD năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Việt Nam trong tổng trị giá thế giới tăng từ 0,72% năm 2016 lên 1,46% năm 2020.

Nâng cao chất lượng, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Theo các chuyên gia kinh tế và thương mại, dịch Covid-19 kéo dài sẽ tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, do khó khăn trong khâu vận chuyển, trong khi vấn đề bảo quản hàng rau quả tươi của Việt Nam còn hạn chế, do đó, doanh nghiệp có sự chuyển dịch khá thành công khi đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến tháng 9/2021 đạt 65,42 triệu USD, tăng 13,7% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến đạt 653,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia … Giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức cao, ngoại trừ năm 2020 chỉ tăng 4,4% so với năm 2019.

Với kết quả đạt được trong cả năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch khá thành công sang phân khúc chế biến các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp.

Mặc dù vẫn đạt được mức tăng trưởng khả quan, các chuyên gia kinh tế và thương mại cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đa dạng thị trường hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Nhìn chung, ngành rau quả Việt Nam đã khá thành công khi tăng xuất khẩu sang các thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn và yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và thương mại cho rằng, trị giá xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang EU vẫn còn ở mức thấp. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu hàng rau quả chế biến sang thị trường tiềm năng lớn EU trong thời gian tới.

Khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung.

Còn nhiều tiềm năng phát triển công nghệ chế biến

Theo Bộ Công thương, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại.

Nhưng trên thực tế, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Đến nay, 76,2% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng trên 20%.

Sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm, đóng góp vào giá trị gia tăng của rau quả hàng hoá còn thấp, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ đối với việc thay đổi cơ cấu cây trồng. Đây là dư địa để doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào phát triển công nghệ chế biến, thúc đẩy xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới gia tăng.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam