'Vén màn' tài chính của Eximbank trước cuộc đại đổi ngôi nhân sự cao cấp

10:02 | 18/11/2021 Print
(TBTCO) - Câu chuyện nhân sự của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã EIB) đang dần nóng lên khi nhiệm kỳ cũ đã kết thúc và ngân hàng này đang sửa soạn việc bầu nhiệm kỳ mới. Trong mối quan tâm này, nhà đầu tư cũng đang dõi theo bức tranh tài chính để cân đo sức khỏe ngân hàng này trước thời điểm chuyển giao.

Thấp thỏm chờ dàn lãnh đạo mới của Eximbank

Thời điểm hiện tại cho đến đầu năm 2022 sẽ là giai đoạn cân não đối với các cổ đông, đặc biệt là các nhóm cổ đông lớn của Eximbank trong việc lựa cho nhân sự cho hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.

'Vén màn' tài chính của Eximbank trước cuộc đại đổi ngôi nhân sự cao cấp
Vén màn tài chính của Eximbank trước cuộc đại đổi ngôi nhân sự cao cấp
Vietcombank công bố quyết định về nhân sự lãnh đạo cấp cao Eximbank lỡ hẹn 2 cuộc họp cổ đông cuối tháng 7 SCB bổ nhiệm nhân sự cấp cao

Dự kiến, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Eximbank sẽ diễn ra vào giữa tháng 3/2022.

Theo điều lệ hoạt động của Eximbank, đại hội cổ đông chỉ được tiến hành khi số cổ đông dự họp đại diện cho ít nhất 65% số cổ phần có quyền biếu quyết đăng ký tham dự đại hội.

Sở dĩ cuộc họp thường niên năm 2021 của Eximbank diễn ra muộn màng như vậy là do có một số trục trặc khi tổ chức. Cuộc họp triệu tập lần thứ nhất hồi tháng 4/2021 theo lịch trình thông thường của các doanh nghiệp khác đã không tiến hành được do không đủ số cổ đông tham dự theo luật định và điều lệ của ngân hàng này.

Trong khi đó, lần triệu tập thứ hai để họp đại hội đồng cổ đông dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 cũng lại bị hoãn lại do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19.

Cuộc họp thường niên 2021 bị “ngâm nga” khá lâu khiến cho những ẩn số về nhân sự mới của ngân hàng này vẫn tiếp tục treo trong sự hồi hộp đợi chờ của các cổ đông.

Theo thông báo mới đây của Eximbank, số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ có ít nhất 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên độc lập.

Số thành viên Ban kiểm soát dự kiến ít nhất 3 thành viên, trong đó phải có ít nhất 1/2 số thành viên là thành viên chuyên trách, không đồng thời đảm nhiệm chứ vụ, công việc khác tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác.

Ngân hàng này đang thông tin cho các nhóm cổ đông để thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, dự kiến là ngày 24/11/2021.

Thời điểm dự kiến Eximbank gửi hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát là ngày 24/1/2022.

So đo sức khỏe tài chính

Trước thời điểm chuẩn bị chuyển giao nhân sự cao cấp, câu chuyện tài chính của Eximbank cũng được các cổ đông và nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, sức khỏe tài chính của ngân hàng sẽ cho biết, dàn lãnh đạo mới sắp tới đang có gì trong tay để chèo lái con thuyền trong giai đoạn mới.

Về hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần đạt 2.538 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng hơn 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng này đã có sự đẩy mạnh hoạt động dịch vụ với tốc độ tăng trưởng mảng này đạt khoảng hơn 10%, cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng thu nhập lãi thuần.

Tuy nhiên, tính về quy mô thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ mới chỉ bằng khoảng 11,6% so với thu nhập lãi thuần, với giá trị 9 tháng là 294 tỷ đồng. Sự so sánh này cho thấy, ngân hàng này vẫn lệ thuộc nhiều vào thu nhập từ huy động vốn và cho vay, trong khi hoạt động dịch vụ tuy có tăng trưởng, nhưng vẫn chưa đóng góp đáng kể vào thu nhập chung của ngân hàng.

Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 774 tỷ đồng, giảm so với kết quả 871 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2020. Điều đáng chú ý trong kinh doanh của Eximbank là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2021 được đẩy cao lên mức gần 503 tỷ đồng, tăng tới 88,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là lý do chính khiến cho lợi nhuận ngân hàng này sụt giảm dù các khoản thu nhập cơ bản vẫn tăng trưởng so với năm ngoái.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, số dư tiền gửi khách hàng là 140 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4,5% so với cuối năm 2020. Dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này là 104 nghìn tỷ đồng, cũng tăng khoảng 4,5% so với với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của Eximbank theo đó là khá thấp so với tăng trưởng tín dụng bình quân chung của ngành ngân hàng.

Trong các nhóm nợ, nợ cần chú ý có xu hướng tăng mạnh từ 779 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 1.433 tỷ đồng vào cuối tháng 9 (tăng 84%). Ngoài ra, nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 132%, nợ nghi ngờ tăng 12% trong giai đoạn này.

Một trong những điểm đáng chú ý khác trong bức tranh tài chính 9 tháng đầu năm 2021 của Eximbank là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn cũng có xu hướng gia tăng thể hiện ở các chỉ tiêu ngoài bảng cân đối kế toán. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là sự tăng mạnh của cam kết giao dịch ngoại hối 77% so với đầu năm, cam kết trong nghiệp vụ L/C cũng tăng khoảng 42% so với đầu năm…

Về các chỉ tiêu ngoài bảng cân đối kế toán

Các ngân hàng có thể thực hiện các giao dịch không được ghi nhận là tài sản hay nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán nhưng chúng làm phát sinh các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và các cam kết. Những khoản mục này thường có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và có mối liên quan chặt chẽ với mức độ rủi ro của các ngân hàng.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam