Chuyển đổi số - lựa chọn sống còn của doanh nghiệp

11:57 | 18/11/2021 Print
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh, trong trạng thái bình thường mới.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, tại hội thảo “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số”, do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghê tổ chức, ngày 17/1/2021.

Chuyển đổi số tầm nhìn 2025- 2030

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi số - lựa chọn sống còn của doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tú Anh

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt sự ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh.

“Nhằm đảm bảo các hạ tầng chính sách điều chỉnh các vấn đề mới trong chuyển đổi số, hiện nay Quốc hội, Chính phủ đang xem xét đề nghị xây dựng các văn bản luật mới liên quan lĩnh vực giao dịch điện tử, công nghệ thông tin, an ninh mạng…” - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên của Chính phủ, cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cùng “chung tay” đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán số; thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong đó, các cơ quan nhà nước cần thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ kết nối nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ, giải pháp về thương mại điện tử (TMĐT), giải pháp về chuyển đổi số, thanh toán số; chia sẻ kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp lĩnh vực TMĐT về thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ TMĐT; tăng cường xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử

Tại hội thảo đề cập đến phát triển TMĐT và chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua, TMĐT Việt Nam đã có những bước tăng trưởng phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, TMĐT được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới...

Chuyển đổi số - lựa chọn sống còn của doanh nghiệp
Chuyển đổi số - lựa chọn sống còn của doanh nghiệp. Ảnh: CTV

"Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, vài năm trở lại đây, khởi nghiệp lĩnh vực TMĐT trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trẻ. Đây là một xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh ở trên thế giới và đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến" - ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đồng thuận với quan điểm của lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, một số chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 để khai thác tối đa lợi nhuận từ TMĐT.

Theo các chuyên gia kinh tế thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới. Theo báo cáo thống kê từ eMaketer.com, doanh thu TMĐT B2C toàn cầu năm 2020 đạt 4.213 tỷ USD, dự đoán năm 2021 là 4.921 tỷ USD. Vào năm 2024 con số này là 6.773 tỷ USD và năm 2025 mức doanh thu sẽ đạt 7.385 tỷ USD.

Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 từ Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của TMĐT so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 USD vào năm 2025. Đến năm 2030 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam./.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam