TP. Hồ Chí Minh dành 173 ha đất xây nhà ở xã hội trong 5 năm tới

13:32 | 18/11/2021 Print
(TBTCO) - Trong giai đoạn 2021 – 2025, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ dành 173,5 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội, với tổng vốn đầu tư khoảng 37.693 tỷ đồng.

Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh vừa trình UBND thành phố chương trình phát triển nhà ở từ nay đến năm 2025, trong đó bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp cho người lao động sống trong các khu nhà trọ, trên kênh rạch chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch Covid-19. Chương trình nhà ở này đã lấy ý kiến của 12 sở ngành, được 20 trên 22 UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức góp ý.

Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 là 23,5 m2 một người (tính đến cuối tháng 6, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,65 m2/ người). Để đạt được chỉ tiêu này, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại từng khu vực phải đạt từ 23,9 m2 một người đến 25,6 m2/người.

TP. Hồ Chí Minh dành 173 ha đất xây nhà ở xã hội trong 5 năm tới
Dự kiến TP. Hồ Chí Minh sẽ dành gần 38.000 tỷ xây nhà ở xã hội 5 năm tới. Ảnh: TL

Diện tích nhà ở tăng thêm trong giai đoạn 2021 - 2025 đối với nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 31,98 triệu m2, nhà ở trong các dự án khoảng 15,52 triệu m2, nhà ở xã hội khoảng 2,5 triệu m2.

Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khoảng 173,5 ha, đất làm nhà ở thương mại khoảng 800,9 ha. Tổng nguồn vốn để phát triển nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn này khoảng 566.983 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư nhà ở thương mại khoảng 239.748 tỷ đồng, nhà ở xã hội khoảng 37.693 tỷ đồng, còn lại là vốn xây nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.

Trong tổng số 37.693 tỷ đồng dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm tối đa 5% (khoảng 1.177 tỷ đồng), chủ yếu để giải quyết cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở, không thể thuê, thuê mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Riêng năm 2022, TP. Hồ Chí Minh dự tính dành 52,1 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội, với tổng vốn đầu tư khoảng 698 tỷ đồng.

Tờ trình của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng phân bổ các khu vực phù hợp để làm nhà ở xã hội và nhà thương mại giá thấp. Đối với khu vực nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú), thành phố sẽ kêu gọi đầu tư phát triển 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân với quy mô khoảng 379 căn hộ.

Đối với khu vực nội thành (gồm quận 7, Bình Tân, TP. Thủ Đức), thành phố sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực gần các cụm, khu công nghiệp để khuyến khích xã hội hóa, các hộ dân đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê. Thành phố khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội ở khu vực quận 7, Bình Tân phát triển 5 dự án với quy mô 3.955 căn, khu vực TP. Thủ Đức phát triển 5 dự án với quy mô 4.352 căn.

Đối với khu vực huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ), thành phố sẽ kêu gọi đầu tư phát triển 8 dự án nhà ở xã hội với quy mô 9.594 căn. Đồng thời thành phố cũng rà soát, thu hồi dự án chậm triển khai, phát triển các khu du lịch kế hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.

Ngày 30/10 vừa qua, UBND TP. Thủ Đức – TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân nằm trên khu đất có diện tích 20.875 m2 gần Khu công nghiệp Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi. Dự án có mật độ xây dựng 60%, diện tích xây dựng 12.525 m2, diện tích cây xanh 4.175 m2 và tổng diện tích sàn 93.932 m2 với hơn 1.000 căn hộ.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng, bố trí đầy đủ các tiện ích về thương mại dịch vụ, nhà trẻ, hồ bơi, công viên, hệ thống sân bãi thể dục - thể thao ngoài trời… đáp ứng nhu cầu sinh sống cho hơn 3.000 người.

Dự án nhà ở lưu trú cho công nhân dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024, kỳ vọng góp phần tạo quỹ nhà ở xã hội cho công nhân đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; qua đó giải quyết được bài toán nhà ở cho công nhân lao động có thu nhập thấp sinh sống trên địa bàn TP. Thủ Đức./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam