Cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp hồi phục

15:03 | 18/11/2021 Print
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, công cuộc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường vừa qua vẫn chưa thực chất. Mục tiêu đạt từ 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 của Chính phủ đặt ra gặp thách thức bởi dịch Covid-19.

Doanh nghiệp chưa hết lao đao vì Covid-19

Đầu năm 2021, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nghị quyết về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 810.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Để đạt mục tiêu trên, theo tính toán, trong 5 năm liền, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp phải đạt từ 12 - 14%/năm. Tính ra, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 100.000 - 150.000 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.

Cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp hồi phục
Cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp hồi phục. Ảnh: TL minh họa

Tuy nhiên, năm 2021, do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Giới chuyên môn nhận định, kết thúc năm 2021 số doanh nghiệp còn hoạt động sẽ thấp hơn so với năm 2020. Trong khi đó, cách chống dịch theo kiểu “ngăn sống cấm chợ”... khiến cho doanh nghiệp nản lòng, số doanh nghiệp rút lui vẫn tăng từ nay đến cuối năm.

Kết quả là 9 tháng của năm 2021, có tới 90.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, số liệu trên có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục. Số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn là điều đáng báo động và chưa từng xảy ra trong 10 năm qua. Giới chuyên môn ước tính, từ nay đến hết năm 2021, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể ở mức 120.000.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, cho rằng các doanh nghiệp đã kiệt quệ, chưa kể việc khôi phục lại sản xuất kinh doanh còn gặp phải thách thức lớn, đó là thiếu lao động và rủi ro từ các biện pháp chống dịch cứng nhắc và không thống nhất giữa các tỉnh, thành.

Cắt giảm, bãi bỏ thủ tục hành chính cần thực chất hơn

Thực trạng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã và đang đặt ra bài toán về giải pháp cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp hồi phục.

Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, cho rằng cần cắt giảm, không chỉ đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Đình Cung cho hay, vào năm 2017, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương kiến nghị Chính phủ trong số 4.000 điều kiện kinh doanh, cần phải cắt bỏ 3/4 điều kiện. Nhưng sau này khi ban hành văn bản, Chính phủ chỉ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hoá 50%. Năm 2018, các bộ, ngành rất rầm rộ cắt giảm, đơn giản hoá theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng đã tạo được hiệu ứng nhất định, nhưng vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, công cuộc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường vừa qua vẫn chưa thực chất. Các bộ, ngành khẳng định đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ được khoảng 30 - 40%. Thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp vẫn còn rắc rối và chồng chéo.

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp , đặt ra mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào cuối năm 2020, nhưng kết thúc đã không thành. Giới chuyên môn nhận định, nguyên nhân chính là môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp khi tham gia thị trường.

Vì vậy, giai đoạn 2021 - 2025, nếu không có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, thay đổi cách ứng xử gây bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì giấc mơ về 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 khó thành hiện thực.

Phan Linh - Diệu Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam