Đối mặt “khó khăn kép”, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nhiều “cửa sáng”

15:36 | 19/11/2021 Print
(TBTCO) - Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là phân khúc chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19; chính sách pháp luật chưa đồng bộ cũng tạo "điểm nghẽn" kìm hãm sự phát triển của bất động sản du lịch. Mặc dù phải đối mặt với khó khăn kép, song các chuyên gia cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có nhiều “cửa sáng” phục hồi.

Bất động sản nghỉ dưỡng hứng chịu “khó khăn kép”

Giới chuyên gia bất động sản đánh giá, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trầy trật nhất, nhiều nhà đầu tư rao bán thấp hơn giá vốn nhưng cũng không ai mua. Bên cạnh đó, các chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản này.

Đối mặt “khó khăn kép”, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nhiều “cửa sáng”
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nhiều “cửa sáng” phục hồi sau đại dịch. Ảnh: TL

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho hay, dịch bệnh liên tục diễn ra doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đã kiệt quệ, thêm một đợt dịch khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Nhiều nhà hàng, khách sạn rao bán tại Đà Nẵng đây cũng là quy luật thị trường và đó là thực tế khi các cơ sở không duy trì được hoạt động.

Mặc dù kết quả hoạt động của ngành bất động sản nghỉ dưỡng trong hai năm vừa qua gặp nhiều khó khăn, song theo các chuyên gia, đây vẫn là một ngành có xu hướng phát triển tốt, nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Vũ Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc VNGroup cho rằng, thị trường du lịch đối với Việt Nam còn mới nên cách hiểu, hưởng thụ cho kỳ nghỉ và chuẩn bị cho mình một chuyến du lịch không phải ai cũng nắm rõ, đa phần mang nặng tính hình thức bên ngoài. Tuy nhiên, với những người có kinh nghiệm và hiểu về du lịch thường chọn những nơi có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan yên bình, có hệ thực vật còn hoang sơ. Vì mục đích du lịch với họ là làm giàu vốn kiến thức lịch sử văn hoá bên trong và tái tạo sức khoẻ. Khi một chuyến du lịch kết thúc sẽ có nhiều giá trị trong đó, đây cũng là xu hướng mà các chủ đầu tư đang hướng đến sau đại dịch.

Hoàn hiện khung pháp lý để thích ứng xu thế mới

Để giúp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản “gượng dậy”, phát triển sau đại dịch Covid -19, thì việc bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch là rất cần thiết.

Chia sẻ quan điểm tại buổi đối thoại chuyên đề “Nhận diện xu hướng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới" mới đây, các chuyên gia bất động sản đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm “cởi trói” giúp bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và phát triển.

Cụ thể theo các chuyên gia, khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần thống nhất định danh cụ thể hình thức đất xây dựng bất động sản du lịch, quy mô và vai trò của thị trường này, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi đặc thù; pháp luật về đầu tư, kinh doanh; cơ chế quản lý, sử dụng đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu tài sản cho người mua; vấn đề thu hút, huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư…

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, 3 quý đầu năm 2021, có khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán, tỷ lệ hấp thụ lên đến 30 - 40%, đây là một tỷ lệ khá cao trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp tại các tỉnh thành lớn trên cả nước, giãn cách xã hội nghiêm ngặt với các Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ đưa ra. Sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, sản phẩm đầu tư vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm và xuống tiền đầu tư.

Song song với đó, cần khẩn trương tạo lập hành lang pháp lý chính thức cho thị trường bất động sản du lịch như: hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và thủ tục đầu tư; thống nhất quản lý của nhà nước trong các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp…

Du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam đã và đang thử nghiệm mở cửa chào đón du khách quốc tế. Các địa phương trọng điểm du lịch như Khánh Hòa, Phú Quốc… đã sớm được “bật đèn xanh” cho mô hình Hộ chiếu vắc - xin, nên các tỉnh có đủ thời gian chuẩn bị để trải thảm đón những vị khách đầu tiên sau thời gian dài cửa đóng then cài. Theo đó, nguồn cầu du lịch sắp tạo ra giá trị thặng dư, cũng là lúc các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đưa ra quyết định cho bài toán sinh sôi dòng tiền.

Theo các chuyên gia đánh giá, du lịch Việt Nam chưa phát huy hết lợi thế 3000 km bờ biển. Các resort du lịch cũng chỉ kéo khách đến lưu trú, trong khi các hoạt động thăm quan, ăn uống, vui chơi thì tập trung bên ngoài khu nghỉ dưỡng, điều này cũng góp phần làm giảm tỷ lệ quay lại một resort của du khách.

Ngoài ra, chuyên gia cũng nhìn nhận, thời điểm thị trường trong giai đoạn phục hồi chính là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh để lựa chọn sản phẩm mà trước đây họ không có cơ hội.

Bởi lẽ, trong bối cảnh bình thường, rất ít nhà đầu tư muốn bán hoặc chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng. Vì nó không chỉ là sản phẩm, mà còn là tài sản, là ngôi nhà thứ hai chưa kể nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp luôn thiếu vì lý do đặc thù tài nguyên, vị trí đẹp luôn luôn có giới hạn. Nên thời điểm sau dịch, chính là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và có tầm nhìn dài hạn tìm kiếm những khu vực có dư địa có sẵn để tối ưu hóa lợi nhuận cho dòng tiền./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam