Ngành du lịch nên chuẩn bị cho tương lai “bình thường mới”

15:41 | 19/11/2021 Print
(TBTCO) - Trả lời phóng viên TBTCVN, TS. Nuno F. Ribeiro - giảng viên cấp cao và Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT) cho rằng, từ khoảng giữa năm 2022, với việc tái thiết du lịch quốc tế và áp dụng hộ chiếu vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới, du lịch Việt Nam sẽ bắt đầu ghi nhận tăng trưởng. Ngành du lịch nên chuẩn bị cho tương lai “bình thường mới”.
Dự kiến mở cửa lại hoàn toàn với khách quốc tế từ tháng 6/2022 Du lịch xanh - Giải pháp phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19

*PV: Với tình hình dịch bệnh tại Việt Nam hiện đã được kiểm soát và đất nước đang bước vào trạng thái “bình thường mới”, ông nghĩ sao về triển vọng phục hồi của du lịch Việt Nam? Liệu có nên kỳ vọng về sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch, dịch vụ của Việt Nam như “lò xo bật tung sau khi bị nén” không thưa ông?

Ngành du lịch nên chuẩn bị cho tương lai “bình thường mới”
Theo chuyên gia, ngành du lịch sẽ ghi nhận tăng trưởng từ khoảng giữa năm 2022. Ảnh minh họa

TS. Nuno F. Ribeiro: Ngành du lịch Việt Nam vốn đã cực kỳ chủ động và đã chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại một phần kể từ khi Chính phủ cho biết điều đó có thể khả thi. Tôi không nghĩ rằng du lịch sẽ trở lại “bình thường" như trước kia. Thay vào đó, tôi cho rằng ngành du lịch nên chuẩn bị cho tương lai “bình thường mới”, nơi Covid-19 là một phần của thực tế và phải được xử lý và kiểm soát để đảm bảo rằng dịch bệnh không ảnh hưởng quá mức đến trải nghiệm của khách du lịch.

Về kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch, câu trả lời của tôi là “có” một cách thận trọng. Với điều kiện là tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được duy trì và các nỗ lực mở cửa trở lại hiện nay ở một số địa phương thành công, Việt Nam sẽ gửi thông điệp rõ ràng đến du khách quốc tế rằng đây là một điểm đến an toàn cho du lịch. Tôi kỳ vọng rằng từ khoảng giữa năm 2022, với việc tái thiết du lịch quốc tế và áp dụng hộ chiếu vắc-xin Covid-19 trên toàn thế giới, thì chúng ta sẽ bắt đầu ghi nhận tăng trưởng.

Chắc chắn rằng sau thời gian dài không được đi du lịch thì nhiều người sẽ có nhu cầu du lịch rất cao. Điều này sẽ bắt đầu với du lịch nội địa ở hầu hết các địa phương ở Việt Nam và du lịch quốc tế đến các điểm đến phổ biến nhất của Việt Nam như Hội An, Hạ Long, Sa Pa, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Có thể nói một cách khá chắc chắn rằng, sẽ có tăng trưởng, nhưng tăng trưởng vượt bậc sẽ chỉ xảy ra sau khoảng một năm tới. Đó là khoảng thời gian cần thiết để thiết lập lại hệ thống dịch vụ và nối lại hoạt động du lịch từ các thị trường nước ngoài trọng điểm (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga) đến Việt Nam với số lượng đủ lớn. Sau khoảng thời gian đó, tiềm năng tiếp tục tăng trưởng sẽ không còn giới hạn.

*PV: Theo ông, thời điểm nào là phù hợp cho việc mở cửa lại du lịch cho khách quốc tế?

TS. Nuno F. Ribeiro: Việc mở cửa lại Việt Nam rộng rãi hơn cho khách du lịch quốc tế nên được thực hiện theo từng giai đoạn. Thứ nhất, nếu việc mở cửa trở lại của Phú Quốc, Vũng Tàu và các điểm đến thí điểm khác thành công, tôi nghĩ quý II/2022 sẽ là thời điểm tốt để bắt đầu mở cửa lại Việt Nam một cách thận trọng cho khách du lịch quốc tế từ một số quốc gia đã khống chế thành công dịch bệnh. Có thể cân nhắc mở lại du lịch quốc tế tại các địa điểm như Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Sa Pa và Hạ Long. Việc này nên được thực hiện từ từ và an toàn, với số lượng du khách được kiểm soát cẩn thận.

Ngành du lịch nên chuẩn bị cho tương lai “bình thường mới”
TS. Nuno F. Ribeiro

Nếu giai đoạn đầu thành công và nếu chúng ta tiếp tục thực thi tất cả các biện pháp an toàn và sức khỏe cần thiết, thì có thể tính đến giai đoạn thứ hai từ khoảng quý IV/2022. Khi đó, chúng ta có thể mở cửa trở lại rộng rãi hơn cho du lịch quốc tế ở các tỉnh và điểm đến khác ở Việt Nam.

*PV: Như ông nói ở trên, du lịch sẽ không trở lại “bình thường" như trước kia, thay vào đó nên chuẩn bị cho tương lai “bình thường mới”. Theo ông, ngành du lịch nên làm gì để chuẩn bị cho tương lai bình thường mới này?

TS. Nuno F. Ribeiro: Theo tôi, để đảm bảo thành công trong những tháng năm tới, đầu tiên và quan trọng nhất với ngành du lịch Việt Nam là đảm bảo rằng tất cả các biện pháp ứng phó và phòng ngừa về sức khỏe và an toàn được thực hiện đầy đủ.

Tiếp theo, rất cần có đội ngũ nhân viên với trình độ tốt, được đào tạo tại chỗ trước khi mở cửa trở lại. Sau nhiều tháng ngưng hoạt động, việc thu hút và giữ chân nhân tài làm việc trong ngành du lịch là điều then chốt. Ngành du lịch về bản chất không đơn thuần bán các gói lưu trú tại khách sạn hoặc các gói nghỉ dưỡng, mà là bán trải nghiệm cho khách hàng. Không thể mang lại trải nghiệm chất lượng nếu không có đội ngũ nhân viên có trình độ, được đào tạo và được trao quyền.

“Tôi tin rằng, điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua. Nhiệm vụ giờ đây là tái thiết Việt Nam để trở thành một điểm đến tuyệt vời hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn. Du lịch Việt Nam có rất nhiều điều hấp dẫn và mục tiêu của chúng ta là thu hút khách du lịch trở lại nhiều lần” - TS. Nuno F. Ribeiro nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và đảm bảo có đủ nguồn cung để hoạt động du lịch diễn ra suôn sẻ. Điều vô cùng quan trọng là các doanh nghiệp du lịch phải có hậu cần tốt và chuỗi cung ứng du lịch và khách sạn không bị gián đoạn, bởi nguyên liệu, vật tư, thực phẩm và đồ uống… là những yếu tố quan trọng để ngành khách sạn hoạt động tốt. Nếu không có chuỗi cung ứng mạnh mẽ, các nỗ lực mở cửa trở lại ngành du lịch sẽ rất khó khăn, hoặc thậm chí là thất bại. Đồng thời, phải đảm bảo trao đổi thông tin tốt và nỗ lực phối hợp giữa tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch. Chia sẻ thông tin, tuân thủ, và phối hợp thực hiện các nỗ lực và chính sách là rất quan trọng. Đặc biệt, phải có đối thoại, hợp tác cởi mở và trung thực giữa tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch, bao gồm chính phủ, hãng hàng không, chủ sở hữu và nhà điều hành khách sạn, đại lý du lịch và công ty lữ hành, ban cố vấn và các đơn vị quảng bá. Tất cả các bên liên quan cần được tham gia vào quá trình mở cửa trở lại và đưa ra ý kiến ngay từ đầu.

Và cuối cùng, hãy chuẩn bị cho những điều bất ngờ và có chiến lược quản trị rủi ro vững chắc. Việc mở cửa trở lại ngay du lịch sẽ đi kèm với một số yếu tố bất định. Dù chúng ta luôn kỳ vọng rằng mọi điều sẽ diễn ra tốt đẹp, chúng ta vẫn nên chuẩn bị cho những tình huống khó lường, chẳng hạn như đợt bùng phát mới, thiếu nhân viên, các quy định bổ sung, hoặc các thủ tục đi lại và vận chuyển phức tạp.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Bài 3: Phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới Bài 3: Phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới

Nhận diện những thách thức trong tình hình mới, du lịch Quảng Ninh thay đổi chiến lược phát triển từ “không Covid” sang sống chung ...

Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Việt Nam sau 2 năm gián đoạn Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Việt Nam sau 2 năm gián đoạn

Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh đã đến tỉnh Quảng Nam, ...

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam