Chương trình phục hồi kinh tế 800.000 tỷ đồng: Cần tính toán thật sát thực, đúng bản chất

11:01 | 22/11/2021 Print
(TBTCO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 với quy mô khoảng (gần 35 tỷ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021.
Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa - tiền tệ trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế Sớm trình Quốc hội gói chính sách tài khóa – tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế

Đây là chương trình phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo các chuyên gia, để đảm bảo hiệu quả, chương trình này cần được tính toán sát hơn, khoa học và đúng bản chất hơn.

Quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng

Góp ý cho chương trình phục hồi kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, chương trình phải mang tính tổng thể, phải gắn kết với kế hoạch 5 năm bởi vì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã được Quốc hội thông qua.

Chương trình này phải gắn với đề án cơ cấu lại, gắn với chương trình cải cách và đặc biệt nó phải gắn với chương trình phòng chống dịch. Bởi vì, vấn đề y tế và kinh tế hiện nay hòa quyện với nhau chứ không thể tách rời được.

Theo TS. Cấn Văn Lực, không thể đưa ra một chương trình phục hồi tốt nếu như không biết rõ thực trạng nó như thế nào. Vì vậy, phải có một đánh giá đầy đủ hơn, chính xác hơn về thực trạng, nhất là về tác động của dịch vừa qua đối với doanh nghiệp, với lao động, việc làm đối với một số lĩnh vực ngành nghề khác nhau.

Chương trình phục hồi kinh tế 800.000 tỷ đồng: Cần tính toán thật sát thực, đúng bản chất
Chương trình phục hồi kinh tế cần có quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng và thời gian đủ dài. Ảnh minh họa

Để chương trình phục hồi này khả thi thì cần xác định rõ tính mục tiêu và đối tượng để phục hồi và hỗ trợ. Theo ông Cấn Văn Lực, không chỉ có hai đối tượng người dân và doanh nghiệp mà kể cả các đơn vị sự nghiệp cũng rất khó khăn nên cũng cần có sự hỗ trợ. Đồng thời, Chính phủ cần nắm rõ những lĩnh vực mà sẽ ưu tiên đầu tư phát triển thời gian tới.

Bên cạnh đó, phải có kế hoạch để “chốt” chương trình này. Ví dụ nếu hết hai năm có gia hạn nữa không? Nếu như chưa triển khai hết và phải có kế hoạch để củng cố nền tảng sau đó. Bên cạnh đó, cần có đánh giá tác động đối với những cán cân lớn của nền kinh tế. Ví dụ như nó sẽ tạo được việc làm thế nào, góp phần phục hồi tăng trưởng làm sao làm sao, nghĩa vụ trả nợ như thế nào… những điều này cần phải tính toán rất cụ thể.

Một điều nữa là sự phối hợp chính sách, chỉ riêng mỗi chính sách tài khóa thì không đủ. Chính sách tài khóa là trọng yếu nhưng phải phối hợp cùng chính sách tiền tệ và các chính sách khác, đặc biệt là những chính sách liên quan đến kích cầu, kinh tế số, phục hồi xanh. Đồng thời, việc thiết kế chính sách đối với chương trình này phải sát hơn để đảm bảo hiệu quả.

Thêm ý kiến bình luận về chương trình này, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh 3 điểm cần lưu ý. Trước hết là quy mô phải đủ lớn, diện bao phủ phải đủ rộng. Bên cạnh diện rộng thì cần quan tâm, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm. Những lĩnh vực quan tâm này chủ yếu dựa vào những đóng góp và mức độ thiệt hại cũng như là sự lan tỏa khi phục hồi của ngành đó đối với phát triển.

Đồng thời, chương trình này phải đủ dài về mặt thời gian trong khoảng thời gian hai năm, từ năm 2022 đến năm 2023 mới đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi được.

Cần bóc tách số liệu lan toả để ước tính số thực chi

Trả lời câu hỏi nguồn lực ở đâu để huy động cho chương trình phục hồi này, TS. Võ Trí Thành chỉ ra rằng, nguồn lực này là từ tăng chi, bội chi ngân sách và vay; tiết kiệm chi thường xuyên; sử dụng một phần nào đó từ dự trữ ngoại hối; tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục phải cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.

“Giả sử như nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% (từ 4 - 6%) thì chúng ta có thêm 7 tỷ USD. Chúng ta có thể vay mượn trong nước, tổ chức quốc tế và điều kiện vay tương đối thuận lợi. Ngoài ra, cũng có những cách kĩ thuật để sử dụng một phần nào đó của dự trữ ngoại tệ...” - TS. Võ Trí Thành nêu ý kiến.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực phân tích, hiện nay, về cấu trúc thị trường tài chính của Việt Nam thì: tổng tài sản hệ thống ngân hàng đang đóng góp khoảng 61% tổng tài sản hệ thống tài chính; vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm khoảng 25%; thị trường trái phiếu khoảng 13% và doanh thu phí bảo hiểm khoảng 1%. Cấu trúc vốn đóng góp cho đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế trong 5 năm vừa qua theo tính toán: kênh tín dụng đóng góp 50%, kênh chứng khoán 15%, đầu tư công 15%, FDI 22%.

Như vậy, muốn huy động nguồn lực từ đâu cần căn cứ vào cấu trúc đó để tính toán, huy động. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt những gói hỗ trợ hiện tại bởi vẫn còn dư địa của những gói đó khi các gói này vẫn đang trong quá trình giải ngân.

Bên cạnh các nguồn lực huy động như TS. Võ Trí Thành đã chỉ ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn lực có thể huy động từ việc đẩy nhanh cơ cấu lại và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (nếu làm tốt, mỗi năm Nhà nước có thể thu về 40.000 tỷ đồng); nguồn lực từ khối tư nhân; gom nguồn lực từ các quỹ ngoài ngân sách….

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, cần phải tính sát được dự kiến ngân sách cho toàn bộ chương trình này sẽ là bao nhiêu. Hiện nay, chương trình này đang được dự kiến khoảng 800.000 tỷ đồng.

“Tôi cho rằng, con số này phải tính toán lại rất thận trọng, vì trong đó có nhiều bộ, ngành chưa có thông số đầu vào, có nhiều cấu phần không tính được đó là tiền từ ngân sách. Ví dụ như đầu tư công khoảng vài trăm ngàn tỷ đồng nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Quốc hội đã phê duyệt 2,87 triệu tỷ đồng hay chưa, hay là bổ sung. Nếu là bổ sung thì phải xem xét đã giải ngân hết 2,87 triệu tỷ đồng kia chưa mà đã phải bổ sung. Nếu chưa hết chưa nên tính đến chuyện bổ sung thêm. Nên con số cần tính sát hơn” - TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Theo ông, con số 800.000 tỷ đồng kia là con số lan tỏa. Cần bóc tách số liệu lan toả để ước số thực chi. Tính toán sát hơn, khoa học hơn và đúng bản chất hơn thì với tổng lan tỏa khoảng 800.000 tỷ đồng của chương tình, thực chi ước vào khoảng 400 - 500.000 tỷ đồng và tập trung vào huy động nguồn lực đó. Đồng thời luôn luôn chú ý thời gian thực hiện là 2 năm chứ không phải trong 1 năm…/.

Huy động nguồn lực từ các quỹ bảo lãnh tín dụng

TS. Cấn Văn Lực cho biết, hiện nay, Chính phủ không bảo lãnh nợ doanh nghiệp nhưng quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương có thể làm được. Chúng ta có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương nhưng 28 quỹ này hoạt động chưa tốt trong thời gian vừa qua, nên cần phải kích các quỹ này lên.

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam