Bịt kẽ hở trong quản lý thương mại qua giao dịch điện tử

09:23 | 22/11/2021 Print
(TBTCO) - Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử đang tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 tăng rất nhanh và sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển đó, cơ quan hải quan cũng nhận thấy có nguy cơ đối tượng lợi dụng gian lận thương mại. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xây dựng nghị định đáp ứng hai yêu cầu vừa tạo thuận lợi vừa đảm bảo quản lý, kiểm soát.

Cần thông tin trước để phân luồng

Thời gian vừa qua, cơ quan hải quan đã tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong việc kiểm tra, giám sát, làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Hoạt động quản lý rủi ro chủ yếu được thực hiện để quyết định phân luồng đối với các lô hàng của các doanh nghiệp. Qua một thời gian dài áp dụng, điều mấu chốt được rút ra chính là cơ quan hải quan cần có thông tin trước về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các hoạt động giao dịch thương mại điện tử “nở rộ như hoa cỏ mùa xuân”. Việc nắm bắt trước thông tin trước khi hàng đến cửa khẩu sẽ tạo thuận lợi rất lớn cả cho công tác quản lý lẫn tiết kiệm cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay điều đó vẫn chưa thực hiện được nên việc quyết định hình thức kiểm tra của cơ quan hải quan còn bị hạn chế về thông tin cơ sở dữ liệu. Nói cách khác, với nhiều lô hàng, cơ quan hải quan không đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra quyết định miễn hay thực hiện kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vì chưa có đủ thông tin.

Bịt kẽ hở trong quản lý thương mại qua giao dịch điện tử
Đồ họa: Hồng Vân

Áp lực dồn lên vai ngành Hải quan khi hàng hóa giao dịch thương mại điện tử ngày càng gia tăng cả về số lượng, các kiện hàng khá nhỏ nhưng có tần suất gửi nhận thường xuyên. Làm sao để thông quan hàng hóa đúng thời hạn quy định mà vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan để phát hiện ra những gian lận, vi phạm là một câu hỏi lớn?!

Từ phía các cá nhân khi nhập khẩu hàng hóa được mua hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phát sinh vướng mắc như: không có quy định miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phục vụ mục đích cá nhân không dùng cho mục đích kinh doanh được giao dịch qua thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, hồ sơ cấp phép của các đơn vị quản lý chuyên ngành chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh còn nếu cá nhân, tổ chức nhập khẩu chỉ nhằm mục đích sử dụng cho cá nhân thì không có giấy tờ đáp ứng đủ điều kiện để được cấp phép. Ngoài ra, người mua hàng không có chứng từ liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xuất trình cho cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở để cơ quan hải quan thực hiện tính thuế. Hay một vấn đề nữa là người mua hàng không có kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến thực hiện thủ tục hải quan nên gặp khó khăn khi tự thực hiện thủ tục hải quan, khi không thực hiện thông qua đại lý làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, bưu chính.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Thực trạng trên đặt ra vấn đề cần thiết phải hoàn thiện cơ sở pháp lý đảm bảo thủ tục hải quan đơn giản, nhanh chóng, phù hợp với các giao dịch thương mại điện tử để công tác quản lý được chặt chẽ.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần có giải pháp về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành như: bổ sung quy định về việc miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phải cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành nhưng số lượng nhỏ, hàng hóa phục vụ mục đích cá nhân không dùng cho mục đích kinh doanh. Giải pháp về cách tính trị giá tính thuế phù hợp với quy định chung và đặc điểm của hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.

Xây dựng chính sách để đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch

Trong cuộc trao đổi với đại diện các sàn giao dịch thương mại điện tử, các ngân hàng thương mại, các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán xung quanh nội dung của dự thảo nghị định này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng, doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí, thông quan nhanh. Cơ quan hải quan vẫn phải đảm bảo công tác quản lý, không để tình trạng gian lận, đưa hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vào nội địa. Trong khi thực tế, có hiện tượng chia nhỏ lô hàng để gian lận thuế. Chính vì thế thông qua xây dựng cơ chế chính sách sẽ tạo ra môi trường ổn định, minh bạch. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển của loại hình này và nhiều nước trên thế giới đã có chính sách quản lý phù hợp. Trên tinh thần đó, Tổng cục Hải quan đề nghị các bên nghiên cứu kỹ dự thảo để thấy trách nhiệm của mình và góp ý vào dự thảo.

Ngoài ra, để đảm bảo có cơ sở dữ liệu để thực hiện việc quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thì chúng ta phải xây dựng một hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để tiếp nhận, cập nhật, xử lý, lưu giữ thông tin.

Những vấn đề này đang được cơ quan hải quan nghiên cứu và trình Bộ Tài chính đưa vào dự thảo nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Dự thảo đã được xin ý kiến tham gia của các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và sẽ hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến trình Chính phủ ký ban hành vào tháng 12/2021.

Nghiên cứu hệ thống công nghệ tăng cường hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia

Tính đến tháng 10/2021, đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành với khoảng 4,1 triệu hồ sơ của gần 49,5 nghìn doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN cơ bản đáp ứng yêu cầu mở rộng kết nối các bộ, ngành và triển khai nhanh các thủ tục hành chính. Đồng thời, từng bước hình thành hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; nội luật hóa và sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Chính phủ, các bộ, ngành đã trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan hải quan, Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa thực sự mang lại đầy đủ hiệu quả, đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu thương mại xuyên biên giới tự động.

Cơ chế một cửa quốc gia chủ yếu mới chỉ đáp ứng việc giải quyết các thủ tục hành chính đơn lẻ của cơ quan quản lý nhà nước; chưa tạo ra được sự kết nối, liên thông, đồng bộ trong thực hiện các thủ tục hành chính gắn liền với chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và hoạt động của người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh; thông tin dữ liệu còn phân tán; dữ liệu hồ sơ, chứng từ đã được doanh nghiệp khai báo chưa được kế thừa và tận dụng để thực hiện các thủ tục hành chính khác liên quan tới doanh nghiệp,…

Để tăng cường hiệu quả, Tổng cục Hải quan đang tiến hành xây dựng Đề án tổng thể xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng tập trung phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, nội dung đề án cần làm rõ mô hình hoạt động, cơ chế vận hành, lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý; xác định rõ mục tiêu của đề án, mục tiêu của hệ thống một cửa quốc gia; đưa ra yêu cầu kết nối... được chuẩn hóa. Đồng thời khảo sát, đánh giá hệ thống các bộ, ngành đang thực hiện; phân công, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc triển khai đề án.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam