Xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống

10:20 | 22/11/2021 Print
(TBTCO) - Dự kiến, với tổng nguồn lực huy động khoảng 2,45 triệu tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu cao nhất là xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống, để đời sống người dân thực sự được nâng lên.

Đầu tư xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm và bền vững

Ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân. Tiếp nối thành công đó, ngày 28/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 (chương trình), với mục tiêu đi vào chiều sâu xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nâng cao. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững...

Xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống
Mục tiêu cao nhất khi xây dựng nông thôn mới là để đời sống người dân
thực sự được nâng lên.

Theo đó, cả nước phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020…

Ngân sách nhà nước bố trí cho chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Nhiều địa phương đã hoàn thành
xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, tính đến tháng 10/2021, cả nước có 5.360/8.233 xã (chiếm 65,1%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 17 xã so với tháng 9/2021, trong đó: Có 468 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 72 xã so với tháng 9/2021) và 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,7 tiêu chí/xã. Có 201 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 huyện so với tháng 9/2021, chiếm khoảng 30,3% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Có 12 tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 tỉnh Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình, nghị quyết nêu rõ: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn NTM, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững. Ngoài ra, ngân sách bố trí vốn hỗ trợ các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Ngày 11/10/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 25, nhằm triển khai nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả và đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả chương trình.

Các bộ, ngành khẩn trương triển khai Nghị quyết số 25

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành đang khẩn trương triển khai các nội dung của Nghị quyết số 25. Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết; báo cáo khả thi của chương trình; bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện 6 chương trình chuyên đề để triển khai thực hiện, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2021.

“Việc triển khai 6 đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM nổi lên sau 10 năm thực hiện. Cụ thể: chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng NTM; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM; đề án môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; đề án chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM” – ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Đáng chú ý, nhiều tỉnh đã chủ động xây dựng và phê duyệt nghị quyết để triển khai thực hiện Chương trình, kiện toàn ban chỉ đạo và bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện nhằm giảm tối đa sự gián đoạn, ngắt quãng do hoàn thiện cơ chế, chính sách cho giai đoạn tới.

Với quan điểm "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh" - ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đã yêu cầu Văn phòng Điều phối NTM trung ương cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ NN&PTNT phát triển những mô hình giúp người dân tạo ra giá trị bền vững. “Cần cụ thể hóa tư duy kinh tế số trong nông nghiệp trở thành một tiêu chí xây dựng NTM bên cạnh bộ 19 tiêu chí có sẵn; cần xây dựng những văn bản hướng dẫn cụ thể, không thể chung chung, giáo điều” – Bộ trưởng Lê minh Hoan nêu rõ.

Người nông dân phải là chủ thể phát triển kinh tế - xã hội nông thôn

Liên quan đến việc cần xây dựng nông thôn mới (NTM) một cách bền vững trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan từng khẳng định: “Câu chuyện phát triển bền vững liên quan đến thu nhập và sinh kế của người dân”.

Vị tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng, chính cái tên của chương trình là “Xây dựng nông thôn mới” khiến chính quyền địa phương và các cấp cơ sở thiên về đầu tư xây dựng hạ tầng vì “xây dựng” là liên quan đến công trình. Trong khi đó, cái mà chúng ta thiếu quan tâm đó là làm sao hình thành các điều kiện để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân thông qua sinh kế đó. Do đó, Chính phủ đã xác định những giá trị mới của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn tới. Đó là bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng để người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận tiện ích của đô thị, chúng ta chú trọng thêm phát triển “phần mềm”.

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận phải làm sao gắn kết được cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng NTM, vì “xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Ba trụ cột đó không thể tách rời.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ NN&PTNT xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trong đó chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra động lực phát triển nông thôn…

Vì vậy, ông Lê Minh Hoan khẳng định, bên cạnh việc “tạo cốt” (đầu tư xây dự hạ tầng) để người nông thôn tiếp cận tiện ích của đô thị, cần giữ gìn và phát huy cái “hồn” để hình thành không gian sống, không gian sản xuất cả nghìn năm nay. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cộng đồng để làm người nông dân là chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, rút kinh nghiệm những năm trước, chúng ta cần khẳng định rằng, đội ngũ lãnh đạo các xã và chính quyền cơ sở mới là lực lượng quyết định sự thành công của Chương trình xây dựng NTM. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có chương trình riêng tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo xã để tiếp cận những giá trị mới của xây dựng NTM.

Khánh Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam