Có nên nới lỏng chính sách tài khóa?

09:33 | 24/11/2021 Print
(TBTCO) - Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, cần nới lỏng chính sách tài khóa, tăng hỗ trợ cho chống dịch bệnh, bởi bội chi và nợ công của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, việc điều hành một chính sách tài khóa linh hoạt nhưng thận trọng, chặt chẽ vẫn được các cơ quan quản lý lựa chọn, nhằm đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Thận trọng tăng bội chi và nợ công

Ứng phó với đại dịch Covid-19, trong khi nhiều nước lao đao vì dịch bệnh, tăng trưởng chậm lại, nợ công và bội chi tăng lên, thì Việt Nam vẫn giữ được các chỉ tiêu quan trọng nêu trên, đồng thời ứng phó tốt đảm bảo chi cho phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, không phải đã hết những khó khăn, theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ đã giảm đáng kể. Trong đó: Bội chi NSNN năm 2021 đang phấn đấu ở mức 4% GDP theo dự toán; dự kiến năm 2022 cũng ở mức 4% GDP (tương ứng khoảng 5,1% GDP chưa điều chỉnh), đang tạo áp lực lớn trong việc cân đối NSNN các năm tới để đảm bảo mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trong phạm vi 3,7% GDP theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Trên thực tế, bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 đã được kéo giảm thấp, khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% theo Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội. Quy mô nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020, các chỉ tiêu dư nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Tại phiên thảo luận trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, trước ý kiến đề nghị cần tăng mức bội chi và nợ công, ông Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc nới mức trần nợ công để hỗ trợ kinh tế sẽ khiến quy mô dư nợ đến 2025 tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro lớn cho an ninh tài chính. “Nếu nhìn vào tỷ lệ nợ công trên GDP, quy mô 44% có thể thấp, nhưng con số này đạt được chủ yếu là do việc điều chỉnh lại số liệu GDP tăng thêm hơn 1 triệu tỷ đồng. Mức trả nợ lãi và gốc hiện nay đã xấp xỉ 25%, là nội dung cần hết sức lưu tâm về an ninh tài chính quốc gia” - ông Nguyễn Hữu Toàn phân tích.

Thực tế, trong giai đoạn 10 năm gần đây, quy mô nợ công của nước ta cũng tăng liên tục. Tốc độ tăng nợ bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 18,1%, trong nhiệm kỳ 5 năm gần nhất, mức tăng rút xuống còn hơn 6,5%. Nếu căn cứ theo mục tiêu tăng nợ trung bình khoảng 11% cho nhiệm kỳ này, quy mô nợ công có thể đạt 6,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. "Đây là vấn đề cần hết sức thận trọng. Chúng ta cần có chương trình phục hồi kinh tế nhưng cần tính toán dư địa chính sách, tránh rủi ro"- ĐB Nguyễn Hữu Toàn đề nghị.

Đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia

Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu để sớm ban hành gói kích thích kinh tế. Dự kiến gói kích thích này có thể khiến bội chi tăng thêm 1%, nhưng vì mục tiêu tăng trưởng, trước mắt bội chi có thể tăng nhưng về lâu dài sẽ giảm khi kinh tế tăng trưởng, có nguồn thu về cho ngân sách, góp phần giảm bội chi và nợ công.

Trong điều hành, cũng phải cân nhắc, tính toán hết những thuận lợi và khó khăn. Ví như thu NSNN khó khăn cũng là một thách thức trong thời gian tới. Điều này có nguyên nhân một mặt do tác động của dịch Covid-19 là nghiêm trọng và có thể kéo dài, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đòi hỏi phải có thời gian để kinh tế phục hồi (IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 thấp hơn năm 2021), mặt khác do việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số chính sách thu để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu chi phòng chống dịch bệnh lớn, nên áp lực gia tăng đối với cân đối NSNN, nhất là ngân sách trung ương…

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nhằm tăng cường hiệu quả của các chính sách tài khóa và các gói hỗ trợ góp phần sớm phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo động lực tăng trưởng mới trong dài hạn, cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát.

“Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc” - ông Cấn Văn Lực nhận định.

Có chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều hành chính sách tài khóa, phải coi chính sách tài khóa là chính sách quyết định, quan trọng. Nếu thực hiện tăng bội chi thì phải tính toán đến khả năng trả nợ, điều hành an toàn chính sách tài khóa - tiền tệ.

Không thể chủ quan trong điều hành, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải thực hiện nghiêm, “chỉ vay trong khả năng trả nợ và chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế”. Mặc dù còn dư địa, nhưng vẫn phải thận trọng lên các kịch bản điều hành, để đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Chuyên gia WB đánh giá cao chính sách tài khóa Việt Nam

Tại hội nghị tổng kết khuyến nghị Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam, bà Dorsati Madani- Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới nhận định, ở Việt Nam dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến số thu của Chính phủ, nguồn thu giảm mạnh khi nền kinh tế đóng cửa, cũng như bị ảnh hưởng do việc miễn giảm khấu trừ thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo bà Dorsati Madani: “Cách thức Việt Nam ứng phó rất khác, chúng ta thấy nợ của Việt Nam không tăng mạnh, bội chi tăng một chút nhưng điều chúng tôi ghi nhận là năm 2020 và năm 2021, các chính sách tài khóa đã hỗ trợ kinh tế vượt qua khủng hoảng”.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam