Nâng hạng, bước chuyển mình quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam

14:53 | 25/11/2021 Print
(TBTCO) - Sau đại dịch, giới quan sát đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào một sự tăng trưởng thần tốc của thị trường chứng khoán. Thời điểm này được xem như một sự kiểm định lại của thị trường cổ phiếu. Đây cũng là lúc tạo dựng điểm khác biệt về sự tăng trưởng của các thị trường chứng khoán Việt Nam so với các quốc gia khác.

Để có thêm nhận định về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam dưới góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Park Won Sang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

* PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hơn hai mươi năm hình thành và phát triển. Là một công ty chứng khoán vốn ngoại, KIS cũng đã có mặt hơn 10 năm đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam. Với quãng thời gian khá dài như vậy, ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam?

"Đối tượng nhà đầu tư cá nhân không còn tập trung nhiều vào nhóm tài sản mang tính an toàn như vàng, ngoại tệ (USD), thay vào đó các nhà đầu tư tương lai của Việt Nam bắt đầu hướng tới thị trường chứng khoán như một kênh đầu tư mới".

Nâng hạng bước chuyển mình quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Park Won Sang

- Ông Park Won Sang: Ngay sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, Công ty Chứng khoán KIS của Hàn Quốc đã thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 2006, nhằm mục đích thăm dò thị trường và chính thức thành lập pháp nhân vào năm 2010.

Trong 10 năm qua, chúng tôi nhận định thị trường Việt Nam đã có bước phát triển đáng kinh ngạc. Kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thời điểm cuối năm 2007, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán đã tăng trưởng 18% so với GDP (về danh nghĩa). Nhìn vào chỉ số Vn-Index đại diện cho sàn HOSE lần đầu tiên vượt cột mốc 1.000 điểm vào đầu tháng 4 năm 2018 thì giá trị vốn hóa tăng trưởng 37% (quy mô toàn thị trường) và tại thời điểm ngày 11/10/2021, giá trị vốn hóa tăng trưởng 51% so với GDP (nếu chỉ tính riêng vốn hóa sàn HOSE đạt 38%).

Để liệt kê những bước tiến của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta có thể kể tới những sự thay đổi lớn về mặt kỹ thuật như việc áp dụng phương thức khớp lệnh theo giá thị trường thay vì chỉ sử dụng phương thức khớp lệnh định kỳ. Một sự chuyển mình đáng kinh ngạc nữa của thị trường là việc triển khai phát hành chứng quyền có bảo đảm (Covered warrant) cũng như gia nhập thị trường hợp đồng tương lai (Futures market).

Nếu như thiếu đi sự chọn lựa quyết đoán của các nhà lãnh đạo thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó có thể đạt được những chuyển biến như hiện nay. Chúng tôi kỳ vọng rằng, với nền tảng là những quyết sách tích cực của Chính phủ, thị trường trong nước sẽ còn tiếp tục ứng dụng nhiều hơn những kỹ thuật giao dịch tiên tiến trong thời gian tới. Theo đó, nhìn lại chặng đường phát triển 10 năm trở lại đây của thị trường, rõ ràng Chính phủ Việt Nam đã cho thấy sự chuyển mình nhạy bén hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thay vì kỳ vọng điều gì vào thị trường thì chúng tôi đang trông đợi nhiều hơn vào những chính sách mà Chính phủ sẽ triển khai trong thời gian tới.

* PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua?

- Ông Park Won Sang: Sau đại dịch, giới quan sát đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào một sự tăng trưởng thần tốc của thị trường chứng khoán. Chúng tôi cho rằng, thời điểm này được xem như một sự kiểm định lại của thị trường cổ phiếu. Đây cũng là lúc tạo dựng điểm khác biệt so với sự tăng trưởng của các thị trường chứng khoán tại các quốc gia khác.

Ví dụ, tại thời điểm tháng 4 năm ngoái, dịch bệnh bùng nổ gây ra cú sốc cực lớn tới thị trường chứng khoán toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã dùng 4 nghìn tỷ USD đẩy vào thị trường. Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xuất phát từ Mỹ vào năm 2008, nếu so với nguồn vốn hỗ trợ thị trường trong 10 năm thì 4.000 tỷ USD không phải con số đáng kể. Tuy nhiên, đó là một con số cực lớn trong khoảng 1 năm rưỡi kể từ tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Nếu xét trên cung tiền M2, tại thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng đạt 14,5% (so với cùng kỳ năm 2019), trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dương ở ngưỡng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng (Credit growth rate) trong cả hai giai đoạn trên lần lượt đạt 10,1% và 5,1% cho thấy thị trường Việt Nam đang đi ngược so với xu thế chung của toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có sự tăng trưởng lớn cùng thị trường thế giới. Tính thanh khoản giúp cải thiện thị trường không đến từ hành động “bơm tiền” vào cứu thị trường như chính phủ Mỹ, mà chúng tôi cho rằng đây là kết quả từ việc đánh giá lại tài sản đang sở hữu cũng như sự thay đổi trong danh mục đầu tư của các cá nhân. Cụ thể, đối tượng nhà đầu tư cá nhân không còn tập trung nhiều vào nhóm tài sản mang tính an toàn như vàng, ngoại tệ (USD), thay vào đó các nhà đầu tư tương lai của Việt Nam bắt đầu hướng tới thị trường chứng khoán như một kênh đầu tư mới. Dịch bệnh lần này mang đến nhiều tai ương và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, nếu xét tới một hệ quả tích cực trong tình hình này thì đây có thể coi là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư Việt Nam thay đổi nhìn nhận về tài sản đầu tư.

* PV: Nâng hạng thị trường là một vấn đề mà nhà đầu tư hết sức mong chờ, ông đánh giá như thế nào về khả năng sớm được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam? Điều này có tác động như thế nào tới thị trường?

- Ông Park Won Sang: Việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi chắc chắn sẽ là một bước chuyển mình rất quan trọng đối với thị trường Việt Nam. Mặc dù còn vướng mắc một số chính sách cần sửa đổi, chúng tôi tin tưởng vào triển vọng nâng hạng thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định rằng, không có lý do gì cần phải vội vàng sửa đổi quy định nhằm tiến tới nâng hạng thị trường. Điều cần làm hiện tại là các doanh nghiệp Việt Nam cần có đủ thời gian để chuẩn bị cũng như đáp ứng từng bước đi một cách vững chắc nhất có thể, đó mới là điều quan trọng ở thời điểm hiện tại.

Quy mô nguồn vốn đầu tư tại thị trường cận biên và thị trường mới nổi có một sự khác biệt rõ rệt. Nhưng theo quan điểm về bản chất cũng như độ rủi ro cao của nguồn vốn thì hiện nay tốc độ triển khai của Chính phủ Việt Nam được đánh giá là phù hợp, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết cần có sự chuẩn bị để theo kịp với tiến độ triển khai nâng hạng thị trường của Chính phủ.

* PV: Ông có thể chia sẻ về sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay?

- Ông Park Won Sang: Theo nhìn nhận của nhà đầu tư Hàn Quốc, thị trường Việt Nam đặc biệt có sức hút bởi hai lý do sau: Thứ nhất, Việt Nam sở hữu dân số đông lên tới 100 triệu người. Việc dân số đông sẽ khơi dậy ý tưởng thực hiện bất cứ điều gì có thể.

Thứ hai, Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng như “một chiếc lò xo nén chặt” (Compressed Growth) và chuẩn bị bứt phá. Hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ giai đoạn 1 như vật liệu sợi, da giày, may mặc là hoạt động chủ lực, giai đoạn 2 lấy gốc rễ là ngành công nghiệp, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu công nghiệp hóa học và công nghiệp nặng.

Tiếp đó, Việt Nam cũng trở thành nước duy nhất trên thế giới đẩy mạnh xuất khẩu trong nhóm ngành dịch vụ và IT – lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP.

Luận điểm trên không phải của riêng các nhà đầu tư Hàn Quốc mà là sự nhìn nhận chung của nhà đầu tư nước ngoài nói chung đối với thị trường Việt Nam. Đó là những nhân tố chính mở ra triển vọng đầu tư trong tương lai của Việt Nam.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam