Ứng dụng công nghệ, phát triển nền y tế thông minh

08:16 | 26/11/2021 Print
(TBTCO) - Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong y tế, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe toàn dân; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu y tế quốc gia; đặc biệt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh và phòng bệnh thông minh.
Ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19 Ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 Ứng dụng công nghệ đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin Covid-19

Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số y tế

Để phát triển nền tảng cho chuyển đổi số y tế, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, cần ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc triển khai hạ tầng số ngành Y tế; nâng cấp, chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật trên nền tảng điện toán đám mây, công nghệ máy chủ hội tụ, siêu hội tụ, các công nghệ mạng dây dẫn, không dây hiện đại.

Ứng dụng công nghệ, phát triển nền y tế thông minh
Bác sĩ Bệnh viện E đang triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đào tạo tuyến. Ảnh: Văn Nam.

Trong đó, phát triển dữ liệu số y tế: phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế; ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, xây dựng, triển khai các hệ thống kỹ thuật thông tin phục vụ phát triển chính phủ điện tử Bộ Y tế, theo quy định của Chính phủ.

Theo ông Tường, phát triển chính phủ số trong ngành Y tế như: triển khai, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử.

Duy trì và vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính của Bộ Y tế; nâng cấp các công nghệ triển khai các dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, nâng cao trải nghiệm người dùng; nghiên cứu, ứng dụng AI hỗ trợ trong việc thẩm định hồ sơ trực tuyến, như đăng ký thuốc trực tuyến, công bố tiêu chuẩn sản phẩm chức năng, đăng ký trang thiết bị y tế...

Cùng với đó, ngành Y tế phát triển kinh tế số, với trọng tâm là thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành Y tế tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như cung cấp dịch vụ y tế, tăng cường trải nghiệm, nâng cao tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ y tế.

Đến năm 2030 hình thành nền y tế thông minh

PGS.TS Trần Quý Tường cho hay, mục tiêu đến năm 2025 là 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tích hợp lên cổng quốc gia, triển khai trên thiết bị di động; 80% hệ thống thông tin y tế được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp dữ liệu y tế; 90% hồ sơ, công việc trong cơ quan, đơn vị y tế được xử lý trên môi trường mạng; 60% dịch vụ y tế được thanh toán điện tử; 210 bệnh viện chuyển đổi số thành công, triển khai bệnh án điện tử, thanh toán không tiền mặt; 70% bệnh viện có hệ thống khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối với tất cả cơ sở khám chữa bệnh…

Đến năm 2030, toàn ngành Y tế phấn đấu đưa ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, với khoảng 700 bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định...

Ông Tường cho biết, để thực hiện mục tiêu này, ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa; hình thành mạng lưới nghiên cứu y tế số; thúc đẩy sản phẩm y tế số; tổ chức các sự kiện thường niên về chuyển đổi số y tế; biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích về chuyển đổi số y tế.

Bên cạnh đó, để phát triển nguồn nhân lực, ngành Y tế đào tạo 50 chuyên gia y tế số toàn quốc; tập huấn tối thiểu 5 cán bộ triển khai y tế số cho từng tỉnh, đồng thời đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số y tế cho những người làm công tác quản lý.

Bộ Y tế đang xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia, đầu tư hạ tầng phòng máy chủ đạt tiêu chuẩn Tier2 trở lên; hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin quy mô quốc gia; hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đưa vào vận hành hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân;... Hạ tầng kỹ thuật đang được xây dựng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan trong ngành Y tế và duy trì, nâng cấp, cải tạo mạng trục chính, mạng wifi... được thực hiện hàng năm.

“Để biến cơ hội chuyển đổi số thành hiện thực cần nhiều nguồn lực đầu tư, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quan tâm bố trí kinh phí cho chương trình chuyển đổi số y tế cũng như huy động các nguồn lực xã hội tham gia và chuyển đổi số y tế” - ông Tường nhấn mạnh./.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam