Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững

10:13 | 26/11/2021 Print
Trong bối cảnh hội nhập, để thích ứng, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp cần quyết liệt thực hiện những giải pháp nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại, đảm bảo dòng chảy thương mại xuất nhập khẩu bền vững.

Đây là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững", do Bộ Công thương tham gia tổ chức ngày 25/11/2021.

208 vụ việc phòng vệ thương mại nhắm vào hàng Việt

Đến nay Việt Nam đã tham gia ký và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Dự báo năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 600 tỷ USD. Những con số này đã cho thấy, năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng.

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững
Các đại biểu tại toạ đàm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững. Ảnh: Phong Anh

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn tại thị trường các nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất các nước này đề nghị chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây cũng là lý do chính khiến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu gia tăng nhanh chóng.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Lê Triệu Dũng cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã ứng phó 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với các mặt hàng sản xuất của nước ta. Nhiều nhất trong số này là mặt hàng sắt thép và mặt hàng thế mạnh khác như thủy sản, dệt may, gỗ…

Điển hình như ngành thép, giai đoạn 2016 - 2021, tăng trưởng bình quân xuất khẩu thép và bán thành phẩm thép (thép thô, ferro…) đạt hơn 20%/năm. Trong 10 năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, sản phẩm thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng điều tra gia tăng mạnh. Tính từ năm 2004 đến tháng 10/2021, đã có 66 vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với thép xuất khẩu của Việt Nam.

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững
Ông Nghiêm Xuân Đa phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Phong Anh

Phân tích thêm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa nhận định, các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với mặt hàng thép xuất khẩu không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như: Mỹ, Canada, châu Âu mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Điều này nói lên một xu hướng là hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào.

Một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường, cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

"Trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thép đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường như Mỹ, châu Âu,… Nhiều thương hiệu thép Việt như: Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á đã hiện diện trên thị trường toàn cầu. Chúng tôi tin tưởng rằng, ngành thép sẽ có bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới" - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa phát biểu.

Thích ứng với hoạt động phòng vệ thương mại

Theo ông Lê Triệu Dũng, phòng vệ thương mại ngày càng trở nên quen thuộc với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phòng vệ thương mại là tất yếu được cam kết trong tất cả các hiệp định thương mại, đặc biệt là hiệp định thương mại thế hệ mới.

Trên thực tế, đồng thời với việc ứng phó 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với các mặt hàng sản xuất của nước ta, Việt Nam đã điều tra, áp dụng 23 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với nhiều mặt hàng như sắt thép, đường, sợi, phân bón… Các biện pháp đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần phát triển các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là với những ngành cơ bản.

Theo ông Lê Triệu Dũng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, phòng vệ thương mại càng trở nên quan trọng đòi hỏi năng lực pháp lý, năng lực tài chính, kế toán rất phức tạp, nên hơn lúc nào hết Việt Nam cần nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại để có thể đảm bảo hiệu quả tiến trình hội nhập. Cùng với đó, chúng ta cần sử dụng tốt các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp được Tổ chức Thương mại thế giới cho phép. Quá trình điều tra áp dụng phòng vệ thương mại cần khách quan, đảm bảo tất cả các ý kiến của các bên liên quan được tổng hợp, tính toán và cân nhắc cho đúng các quy định chi tiết của pháp luật trong nước và thế giới, từ đó tránh lạm dụng, đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập.

Các chuyên gia khuyến nghị, để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Cùng với đó, cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.

"Việc điều tra, áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng sắt thép, đường, sợi, phân bón… không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng của GDP cả nước mà còn bảo vệ việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Đặc biệt, Bộ Công thương cho biết hết sức chú trọng quyền lợi của các bên liên quan như: Nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu, bên sử dụng nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp đúng quy định theo các cam kết quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập" - ông Lê Triệu Dũng phát biểu.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam