Chính sách tài chính phải luôn đi trước một bước

09:15 | 26/11/2021 Print
(TBTCO) - Trả lời phỏng vấn TBTCVN, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, chính sách tài chính phải luôn đi trước một bước và để nền tài chính quốc gia phát triển, cần phải cơ cấu lại cả 3 bộ phận đó là tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư. Điều quan trọng là nguồn lực tập trung cho Nhà nước phải được phân bổ, sử dụng đúng mục đích và đảm bảo đạt được yêu cầu của phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững nhưng đồng thời cũng phải sử dụng tiết kiệm, không được lãng phí, thất thoát.
Chính sách tài chính phải luôn đi trước một bước
Chính phủ đã thực hiện một loạt các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

PV: Chưa bao giờ ngành Tài chính phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác giúp doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19?

Ông Đặng Văn Thanh: Thời gian qua, chúng ta đã có ứng phó kịp thời, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp là vô cùng khó khăn. Ở thời điểm quý III/2021 khi dịch diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, thì hoạt động sản xuất kinh doanh gần như ngưng trệ. Vì thế tăng trưởng trong quý này đã âm 6,17%. Chỉ có con đường chống dịch tốt mới phát triển kinh tế được và ngược lại có phát triển kinh tế mới có nguồn lực để phòng dịch.

Chính sách tài chính phải luôn đi trước một bước
Ông Đặng Văn Thanh

Tôi cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã điều hành thực hiện tốt cả 2 mục tiêu này. Đến nay, chúng ta thực hiện vừa chống dịch, vừa mở cửa, hạn chế giãn cách thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo tôi các chính sách hỗ trợ cũng cần phải tính toán trong lâu dài, hỗ trợ là cần thiết nhưng phải lường được trong tình huống dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài, chúng ta phải ứng phó không chỉ trong trước mắt mà phải thực hiện trong một thời gian dài. Do đó, phải có các biện pháp mang tính căn cơ hơn, lâu dài hơn và phải đặt trong bối cảnh cân đối ngân sách.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này, bởi người dân và doanh nghiệp trước mắt vẫn cần được giãn, giảm thuế, để có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh?

Ông Đặng Văn Thanh: Tất cả các biện pháp hỗ trợ chỉ mang tính trước mắt, còn về lâu dài phải đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy, đình trệ, đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục, vì thế tôi cho rằng nên có tập trung cao hơn, đồng bộ hơn để giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất trở lại. Đó mới là giải pháp căn cơ lâu dài.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Chính phủ và Bộ Tài chính đã thực hiện một loạt các chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các chính sách đó thực hiện cho nhiều đối tượng và giãn, hoãn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Bên cạnh đó, Nhà nước còn bỏ nguồn tiền nhất định để hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn và bản thân người lao động, người dân.

Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội
Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Do đó, sản xuất không chỉ giới hạn trong từng doanh nghiệp, từng địa phương mà phải có mối liên kết giữa các doanh nghiệp, với doanh nghiệp này là sản phẩm, doanh nghiệp kia là nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp khác là hàng hóa thương mại. Nhà nước đứng ra xâu chuỗi lại để hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, hoạt động xuất nhập khẩu, tài chính, ngân hàng… được thông suốt.

Vì thế, theo tôi, chúng ta nên có những giải pháp đồng bộ, lên kịch bản cho một vài năm. Song song với đó, phải tính đến các biện pháp phòng dịch căn cơ hơn nữa.

PV: Ông nghĩ sao về những thách thức trong giai đoạn tới mà ngành Tài chính phải đối mặt, thưa ông?

Ông Đặng Văn Thanh: Đối với ngành Tài chính, chưa bao giờ gặp nhiều thách thức như hiện nay. Chúng ta còn chưa giải xong bài toán cân đối được ngân sách nhà nước (NSNN), thu đủ bù chi, thì dịch bệnh khiến cán cân thu-chi ngày càng lệch hơn. Trong khi doanh nghiệp khó khăn, tăng trưởng kinh tế không được như dự tính ban đầu, thì nguồn lực cần chi cho phòng chống dịch lại rất lớn. Đây cũng là những thách thức cho ngành Tài chính trong những năm tới.

Trong Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 đã nêu nhiều giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu về tài chính - NSNN đã đề ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng, giải pháp quan trọng nhất đó là phát triển nguồn lực, bồi dưỡng nguồn thu để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó mới thu về cho ngân sách. Tài chính là dựa trên nền tảng của sản xuất, sản xuất có phát triển, NSNN mới có nguồn thu.

Thứ hai, cần phải thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi doanh nghiệp lao đao do dịch Covid-19, thì việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Khi kinh tế có tăng trưởng, sẽ có nguồn thu về cho NSNN. Bài học kinh nghiệm của năm 2020 là một ví dụ. Sau rất nhiều nỗ lực, chúng ta gần như hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công với con số ấn tượng, đạt 98% kế hoạch vốn. Năm nay, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, có tiền mà không tiêu được, nguồn vốn bị đọng, chi phí lại tăng cao, gây lãng phí. Do đó, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí có thể dùng cả kỷ luật thép, để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này trong năm nay.

PV: Như ông từng nói, muốn nền tài chính quốc gia mạnh, thì phải đẩy mạnh 3 trụ cột chính là: tài chính nhà nước - tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư. Trong giai đoạn mới này, theo ông cần phải làm thế nào để đẩy mạnh 3 trụ cột này?

Ông Đặng Văn Thanh: Quan điểm của tôi, tài chính nhà nước muốn mạnh thì phải làm cho tài chính doanh nghiệp mạnh lên. Tài chính doanh nghiệp bao gồm cả kinh tế hộ gia đình và kinh tế hợp tác xã. Còn tài chính dân cư là cá nhân phải giàu lên bằng việc làm chính đáng của họ.

Điều quan trọng là nguồn lực tập trung cho Nhà nước phải được phân bổ, sử dụng đúng mục đích và đảm bảo đạt được yêu cầu của phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững nhưng đồng thời cũng phải sử dụng tiết kiệm, không được lãng phí, thất thoát. Để giải quyết được vấn đề đó, việc lớn nhất cần làm là phải sớm tạo lập khuôn khổ pháp lý cho nền tài chính quốc gia.

Trước đây, chúng ta có chủ trương xây dựng “nước mạnh, dân giàu”, nghĩa là nước mạnh trước rồi đến dân giàu. Nhưng khi kinh tế phát triển theo thị trường, chủ trương của Nhà nước là “dân giàu, nước mạnh”, dân có giàu thì nước mới mạnh. Cho nên cần xác lập cấu trúc mới cho nền tài chính quốc gia. Đó là cấu trúc mà tài chính nhà nước ngày càng lớn về quy mô nhưng càng nhỏ dần về tỷ lệ thành phần.

Muốn vậy, phải cơ cấu lại cả thu và chi NSNN. Đối với chính sách thu, Nhà nước mở rộng nguồn thu, thuế suất thu hẹp lại; còn lại để xã hội tích lũy. Đối với chính sách chi nhà nước cũng thu hẹp phạm vi chi, khống chế lại một số nhiệm vụ chi.

Để làm được điều đó, một trong những giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, rà soát, sửa đổi các quy định về tài chính – NSNN không còn phù hợp, đẩy mạnh đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa các dịch vụ công. Cùng với đó, tăng cường nâng cao năng lực quản lý của nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật ngân sách, đặc biệt trong chi tiêu công.

PV: Xin cảm ơn ông

* PGS.TS Đặng Văn Thanh:

Đảm bảo nền tài chính quốc gia lành mạnh, minh bạch và công khai

Như Bác Hồ đã nói, tài chính phải dựa vào sản xuất, muốn tài chính giàu mạnh có nguồn thu thì sản xuất phải phát triển.

Như vậy, khai thác, bồi dưỡng nguồn thu là bài toán căn cơ lâu dài và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết thực hơn nữa.

Tôi cho rằng, chính sách tài chính phải luôn đi trước. Để nền tài chính quốc gia phát triển, cần phải cơ cấu lại cả 3 bộ phận của nền tài chính quốc gia là tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư.

Trong 3 bộ phận ấy, Nhà nước dần giảm bớt tỷ trọng tập trung trong tay mình dồn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Vì lẽ đó, cơ cấu sẽ thay đổi theo hướng tài chính Nhà nước ngày càng tăng về quy mô nhưng giảm về tỷ trọng, tức là giảm dần mức huy động vào ngân sách, tăng tích lũy cho các doanh nghiệp và dân cư. Tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư có mạnh thì tài chính quốc gia mới mạnh.

Trong giai đoạn tới, phải tiếp tục đảm bảo cho nền tài chính quốc gia lành mạnh, minh bạch và công khai.

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam