Thủ tục hành chính trong xây dựng còn dư địa cải cách lớn

15:07 | 26/11/2021 Print
Từ đầu năm đến nay, ngành Xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.

Sáng 26/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan.

Đã cắt giảm, đơn giản hóa 59 điều kiện đầu tư kinh doanh xây dựng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện”.

Thủ tục hành chính trong xây dựng còn dư địa cải cách lớn

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N.T

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, từ đầu năm đến nay, ngành Xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...

“Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022. Thực hiện thành công phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng; tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của ngành năm 2021 và 2022” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: Ngành Xây dựng là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đóng góp trên 6% GDP cả nước. Tổng giá trị các công trình hạ tầng cầu đường nhà xưởng bất động sản rất lớn, chiếm khoảng 20% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và cơ sở vật chất thiết yếu cho các ngành kinh tế.

Thực hiện các thủ tục hành chính là hoạt động quan trọng đầu tiên, chính vì những điều quan trọng đó Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm tăng cường tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng, Quốc hội cũng đã ban hành các bộ luật như: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu cải thiện về căn bản về pháp lý…

Nhà thầu xây dựng đang phải lấy ngắn nuôi dài

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Minh Thảo - đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, thời gian cấp phép xây dựng còn phiền hà, còn khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, giải pháp thủ tục hành chính như một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mặc dù dư địa cải cách còn nhiều, bên cạnh cắt giảm thời gian trong mỗi thủ tục hành chính như lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, phê duyệt chủ trương đầu tư hay trong thẩm duyệt những thiết kế, cần khắc phục những mâu thuẫn bất cập và chồng chéo.

Theo bà Thảo, khi các nhà đầu tư vào Việt Nam, chỉ số cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được các nhà đầu tư quan tâm. Nhưng thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan rất dài. Hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới là 166 ngày cho thủ tục từ phòng cháy chữa cháy đến cấp phép, không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch. Thời gian tương đối dài, có thể gấp 2 - 3 lần so với các nước trong khu vực.

Bà Thảo kiến nghị, cắt giảm thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ trước, chúng ta đã làm rất mạnh để cắt giảm điều kiện kinh doanh, do đó cần tiếp tục cải cách sâu hơn, gốc rễ hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chia sẻ trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, nhiều nhà thầu không dám nhận việc. Với rất nhiều cố gắng, các nhà thầu cũng chỉ đạt 80% doanh thu của năm, phần lớn đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đây mới là về mặt con số, còn trên thực tế, các chủ đầu tư đang bị tắc nghẽn về giải ngân, về vốn do Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng với bất động sản.

Cũng theo vị đại diện cho các nhà thầu xây dựng, có thể nói, ngành Xây dựng hiện nay đang cố gắng lấy “ngắn nuôi dài”. Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp này, ông Hiệp đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi nghị định về hợp đồng xây dựng, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cho sửa đổi quy định về thanh toán của hợp đồng xây dựng. Cụ thể quy định hiện tại các chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán có 30% hợp đồng bảo lãnh vốn vay; một hợp đồng thi công xây dựng nhà thầu phải có 4 hợp đồng bảo lãnh, còn các chủ đầu tư không có bảo lãnh gì về nguồn vốn đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh thanh toán./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam