CEO Thuduc House Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đối diện với hình phạt nào?

15:05 | 26/11/2021 Print
(TBTCO) - Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng – Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House; mã Ck: TDH) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam theo Khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Ông này có thể vướng vào những tội gì và sẽ phải đối diện với hình phạt nào?
Tổng giám đốc Thuduc House bị bắt tạm giam
Dự án tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng của Thuduc House bị thu hồi, vì sao?
Cổ phiếu TDH vào diện cảnh báo từ ngày 28/5
Vụ cưỡng chế Thuduc House 451 tỷ đồng thuế: Ngưng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp
Cưỡng chế thuế Thuduc House tại 22 ngân hàng
TP. Hồ Chí Minh: Cơ quan thuế tiếp tục cưỡng chế Thuduc House gần 400 tỷ đồng

Liên tới vụ án bắt tạm giam các lãnh đạo của Thuduc House và các công ty liên quan, ngày 25/11, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết, đang điều tra vụ án “Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và một số đơn vị liên quan. Vụ án đến nay đã khởi tố 21 bị can về các nhóm tội danh nêu trên.

Kết quả điều tra xác định Trịnh Tiến Dũng (sinh năm 1973) có dấu hiệu là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo các đối tượng tại Việt Nam và nước ngoài sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập hàng trăm doanh nghiệp ở Việt Nam, ký giả chữ ký giám đốc để mở tài khoản ngân hàng, lập hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu CD Rom chứa phần mềm và linh kiện điện tử (hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng..) với các công ty nước ngoài (gồm: Mỹ, Hồng Kông, Campuchia, Singapore, Malaysia... do Trịnh Tiến Dũng điều hành) để hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép 53.562.704,9 USD ra nước ngoài.

Đồng thời, các đối tượng này có dấu hiệu lợi dụng chính sách của Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử có thuế suất bằng 0%, tạo dựng hồ sơ mua bán trong nước và xuất khẩu linh kiện điện tử có giá trị chênh lệch rất lớn, móc nối với các đối tượng tại Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) giả, chiếm đoạt hơn 153 tỷ đồng tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh và móc nối với các đối tượng tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) lập hồ sơ hoàn thuế GTGT giả, chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ một nhóm các đối tượng tình nghi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc hoàn thuế GTGT, đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Nghiêm Nhật Nam (Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam) và Nguyễn Thùy Quyên (Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam) về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tiếp đến, ngày 23/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (Tổng giám đốc Thuduc House), Nguyễn Ngọc Trường Chinh (Phó Tổng giám đốc Thuduc House), Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Thuduc House, kiêm Giám đốc Công ty CP Thuduc Wood), Quan Minh Tuấn (Kế toán trưởng Thuduc House) và Nguyễn Văn Lành (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại An Lành Phát và Công ty TNHH Bình Thạnh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

CEO Thuduc House Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đối diện với hình phạt nào?
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các thủ tục tố tụng đối với các bị can, đảo bảm đúng quy định pháp luật.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã truy nã quốc tế và đang tổ chức truy bắt đối với Trịnh Tiến Dũng để điều tra làm rõ và mở rộng vụ án, đồng thời kê biên, phong tỏa, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước.

Luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định, có thể thấy thủ đoạn gian lận, chiếm đoạt tiền thuế GTGT hiện nay phức tạp rất khó phát hiện. Một số các tổ chức, cá nhân thực hiện thành lập một chuỗi các doanh nghiệp (DN) không có thật và DN có thật, nâng khống giá trị hàng hóa rồi tìm cách thông qua vài DN lớn có thương hiệu thực hiện đứng tên hộ trên hợp đồng và các hồ sơ xuất khẩu để được hưởng thù lao.

Luật sư Bình cho rằng, dù dòng tiền được thanh toán qua ngân hàng thương mại nhưng về bản chất chứa đựng các giao dịch thanh toán giả tạo. Tiền từ phía nước ngoài chuyển về và tiền thuế GTGT được hoàn thông qua công ty lớn có thương hiệu đứng tên hộ trên hồ sơ xuất khẩu hưởng thù lao.

Với thủ đoạn gian lận, chiếm đoạt tiền thuế GTGT ngày càng tinh vi, phức tạp thông qua việc thực hiện các hồ sơ xuất khẩu về bản chất là giả tạo nhằm che giấu hành vi đứng tên tờ khai hải quan và các hồ sơ có liên quan đến hoạt động xuất khẩu và sử dụng một chuỗi các DN vừa thật vừa không có thật, đã giúp các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hoàn thuế rất lớn, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên các đối tượng có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản và buộc khắc phục số tiền đã chiếm đoạt./.

Duy Thái - Kỳ Phương

© Thời báo Tài chính Việt Nam