Ông Dominic Scriven: Ngành Chứng khoán Việt Nam đã có 1/4 thế kỷ rất nhiều ý nghĩa

13:27 | 27/11/2021 Print
(TBTCO) - “Ngành Chứng khoán Việt Nam đã trải qua “một phần tư” thế kỷ rất có ý nghĩa. Hành trình 25 năm đó có nhiều thăng trầm, thách thức, nhưng đầy thú vị và đặc biệt là thị trường chứng khoán đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi vui mừng vì cùng chung hành trình và đóng góp một phần cho sự phát triển đáng tự hào của thị trường chứng khoán Việt Nam”. Đây là chia sẻ của ông Dominic Scriven - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) với TBTCVN.

PV: Thưa ông, ngành Chứng khoán đón 25 tuổi và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã qua 21 tuổi. Trên góc nhìn của một nhà đầu tư tổ chức lớn gắn bó với thị trường từ những ngày đầu, ông có cảm nhận gì về vai trò và những thành quả mà TTCK Việt Nam đạt được trong thời gian qua?

Ông Dominic Scriven: Ngành Chứng khoán Việt Nam đã có 1/4 thế kỷ rất nhiều ý nghĩa
Ông Dominic Scriven

Ông Dominic Scriven: Nhìn lại 25 năm qua, ngành Chứng khoán nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đã có sự thay đổi rất lớn. Có thể nói rằng, chúng ta đi từ con số “0” và đến nay đã “có” rất nhiều. Xuất phát từ những khái niệm tưởng như “vô hình”, nhưng qua quá trình xây dựng và trưởng thành, TTCK Việt Nam đến nay đã hình thành được một thể chế thị trường tương đối toàn diện, từ khung pháp lý, cấu trúc thị trường, các sở giao dịch chứng khoán, các tổ chức cung cấp dịch vụ, đến sản phẩm, dịch vụ mới và nền tảng nhà đầu tư đông đảo. Tôi nghĩ điều này có được là vì Việt Nam đã định hình được mô hình TTCK tương đối tiên tiến ngay từ đầu.

Có một điều đặc biệt mà Việt Nam khác với nhiều nước khác, là Việt Nam thành lập cơ quan quản lý trước khi có thị trường. Ở nhiều nước khác thường ngược lại, có thị trường rồi sau đó mới thành lập cơ quan quản lý nhà nước. Đây là bước đi đúng, “chắc ăn hơn” của Việt Nam.

TTCK Việt Nam đã trải qua không ít những cung bậc thăng trầm, nhưng hôm nay nhìn lại hành trình 25 năm đã qua thì sự phát triển so với ngày đầu là một khoảng cách rất xa. Từ chỗ chỉ có 2 cổ phiếu, đến nay đã có hàng nghìn mã trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM. Tổng giá trị giao dịch trên thị trường cổ phiếu từ mức 1-2 tỷ đồng/phiên, đến nay đã trên 30.000 tỷ đồng/phiên. Tổng giá trị vốn hóa đã tương đương với GDP của cả nền kinh tế. Việt Nam cũng đã thành công trong việc phát triển các thị trường khác như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán phái sinh,…Hết tháng 10 vừa qua, TTCK Việt Nam có số tài khoản nhà đầu chứng khoán đạt hơn 3,7 triệu tài khoản, với đầy đủ cơ cấu từ nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức, trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. TTCK cũng đã tạo ra sân chơi cho đa dạng các thành phần kinh tế, từ nhà nước, kinh tế tư nhân, trong nước, ngoài nước.

Dragon Capital là nhà đồng hành trong các Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết nhiều năm qua.
Dragon Capital là nhà đồng hành trong các Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết nhiều năm qua.

Cá nhân tôi thấy rằng, chúng ta đã trải qua một phần tư thế kỷ rất ý nghĩa, cũng có rủi ro, thách thức nhưng đầy thú vị và TTCK đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

PV: Là người gắn bó với TTCK Việt Nam, ông tâm đắc nhất điều gì trong chặng đường 25 năm qua?

Ông Dominic Scriven: 25 năm không phải chặng đường ngắn, cũng không quá dài. Xét về chiều dài thì TTCK Việt Nam còn khá mới mẻ so với các thị trường hàng trăm năm trên thế giới, song như chia sẻ ở trên, ngành Chứng khoán Việt Nam đã làm được nhiều điều ý nghĩa.

Trong quá trình gắn bó với thị trường, tôi có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, giao thiệp với nhiều nhà lãnh đạo, các cấp quản lý, doanh nhân, nhà đầu tư,… nhưng tôi tâm đắc nhất với câu nói của Ngài Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ. Tôi nhớ đại ý rằng, Thủ tướng lúc đó nói: Khi Việt Nam vượt qua khủng khoảng kinh tế giai đoạn 2008 – 2009, bài học lớn để lại là việc các ngân hàng huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung, dài hạn. Điều này là hết sức nguy hiểm. Do vậy, nếu Việt Nam muốn có một nơi tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế thì phải nhìn vào thị trường vốn và thúc đẩy nó phát triển bền vững. Tôi cho rằng đây là góc nhìn đúng và có tầm nhìn rất xa của Lãnh đạo Chính phủ.

Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, thành quả lớn nhất của TTCK trong chặng đường vừa qua là đã khẳng định được vai trò quan trọng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Hay nói một cách khác, Việt Nam đã đi đúng hướng khi xây dựng được “nhà tài trợ chính” cho sự phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế - đó là thị trường vốn.

PV: Một giả thiết đặt ra rằng, thời gian qua, nếu nền kinh tế Việt Nam không có thị trường vốn, không có TTCK, thì ông nghĩ sẽ như thế nào?

Ông Dominic Scriven: Đây là câu hỏi với chữ “nếu” nên câu trả lời cũng rất khó, song tôi có thể chia sẻ một vài ý.

Trước đây, tôi có xem một số bài nghiên cứu trên thế giới, trong đó các nhà nghiên cứu, chuyên gia có đưa ra so sánh giữa các nước có thị trường vốn và không có thị trường vốn. Họ đưa ra một kết luận tương đối rõ ràng rằng, có 66 nước có thị trường vốn lúc đó thì đều thuộc các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Cũng không loại trừ nhiều nước xây dựng thị trường vốn không thành công vì nhiều lý do khác nhau, nhưng để nhìn lại, chúng ta thấy rằng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay đều có thị trường vốn rất lớn và phát triển.

Ông Dominic Scriven phát biểu đối thoại với các nhà đầu tư quốc tế tại hội nghị xúc tiến đầu tiến đầu tư tại London (Anh), do Bộ Tài chính tổ chức năm 2019.  Ảnh: MAI AN
Ông Dominic Scriven phát biểu đối thoại với các nhà đầu tư quốc tế tại hội nghị xúc tiến đầu tiến đầu tư tại London (Anh), do Bộ Tài chính tổ chức năm 2019. Ảnh: Mai An

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nếu công cuộc đổi mới phát triển kinh tế Việt Nam mà không có thị trường vốn, TTCK thì có lẽ sẽ thiếu đi một phần nguồn lực quan trọng.

PV: Việt Nam mở cửa nền kinh tế và TTCK đã có nhiều cơ hội thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, song không phải ai cũng thành công. Theo ông, vậy đâu là điều làm nên thành công cho Dragon Capital trong nhiều năm qua?

Ông Dominic Scriven: Tôi là người Xứ Wales và điểm chung của quê hương tôi với Việt Nam là đều xem Rồng là linh vật quốc gia. Đây cũng lý do mà chúng tôi chọn tên công ty có chữ “Dragon”. Cũng có thể điều đó mà tôi có khá nhiều điểm tương đồng với người dân Việt Nam.

Thời gian đầu, yếu tố văn hóa cũng có những cản trở nhất định, trong đó cũng có cả những chuyện đầu tư thua lỗ vì mình chưa hiểu hết được văn hóa của doanh nghiệp, đối tác. Song tựu chung lại, trong hành trình vừa qua, cũng có lúc khó khăn, cũng có lúc đầu tư sai dẫn đến thua lỗ, nhưng chúng tôi thành công nhiều hơn.

Có thể không có gì là tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, đặc biệt là phải phụ thuộc vào từng bối cảnh, tình huống, giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, trong câu chuyện đầu tư ở Việt Nam, ngoài yếu tố may mắn và luôn học hỏi về văn hóa đầu tư, điều giúp chúng tôi thành công là đã gắn quyền lợi lâu dài của mình với TTCK Việt Nam. Hay nói một cách khác, là chúng tôi luôn đồng hành, cùng với TTCK Việt Nam phát triển bền vững.

Với Dragon Capital, chúng tôi có những việc “gieo trồng” mà không tính bằng năm, thậm chí là 5 năm hay 10 năm để đón “ngày hái quả”. Thành công nhiều khi còn đến từ sự kiên trì. Điển hình nhất là chúng tôi mới ra mắt Chương trình Hữu trí tự nguyện bổ sung trong năm nay. Để ra đời được sản phẩm này, chúng tôi đã trải qua là hành trình thập kỷ, đồng hành cùng các cơ quan quản lý từ việc nghiên cứu kinh nghiệm, xây dựng pháp lý hay xây dựng mô hình sản phẩm, thông tin tuyên truyền. Hơn thế nữa, sản phẩm này chúng tôi xác định cũng mới ở giai đoạn bắt đầu, có thể 10 năm nữa hoặc lâu hơn thì mới biết có thành công hay không. Song điều mà chúng tôi mong muốn nhất khi xây dựng Quỹ Hưu trí tự nguyện bổ sung đó là đồng hành và tạo được lợi ích lâu dài, giá trị bền vững cho người dân Việt Nam.

PV: Nhiều ý kiến đều khẳng định rằng, TTCK Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội. Ông có thể cụ thể hóa về tiềm năng, cơ hội ở đây là gì trong 10 năm tới?

Ông Dominic Scriven: Trong 10 năm nữa, TTCK Việt Nam có cả cơ hội và thử thách.

Thứ nhất, quy mô TTCK chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Thanh khoản bình quân thị trường cổ phiếu hiện khoảng 1 tỷ

USD/phiên, thì liệu 10 năm tới, giá trị có thể gấp 10 lần hay không, để xứng tầm với quy mô nền kinh tế lúc đó. Đây là tiềm năng, cơ hội nhưng cũng là thử thách với thị trường, hay nói cách khác là phải tăng quy mô lớn hơn nữa.

Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London vào tháng 7/2016.
Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London vào tháng 7/2016.

Thứ hai, chất lượng hoạt động của TTCK cũng được kỳ vọng sẽ nâng lên. Nhưng đây cũng là thách thức bởi chúng ta phải giải quyết bài toán là chất lượng tăng có tương xứng với quy mô hay không? TTCK phát triển trong giai đoạn tới sẽ yêu cầu lớn hơn về tăng trưởng theo chiều sâu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, minh bạch, bình đẳng và chú trọng yếu tố bền vững hay phát triển xanh.

Thứ ba, bên cạnh các nguồn lực từ các thành phần kinh tế nhà nước, FDI, Chính phủ đang có chủ trương rất lớn để khơi dậy không khí, nguồn lực mạnh mẽ, kiến tạo “bầu trời” các thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Do vậy, vai trò của thị trường vốn, TTCK là rất lớn, vừa là tiềm năng để tăng trưởng, nhưng cũng vừa phải tạo được “ngôi nhà” thích hợp nhằm tạo được nguồn vốn dài hạn, tin cậy, bền vững và giá rẻ.

Nếu nhìn vào những điểm trên, rõ ràng TTCK Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn, nhưng thách thức phải vượt qua tôi nghĩ cũng không nhỏ.

PV: Một câu hỏi cuối thưa ông, niềm tin ông dành TTCK Việt Nam trong thời gian tới như thế nào? Ông có thể chia sẻ thêm về định hướng công ty ông thời gian tới?

Ông Dominic Scriven: Chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành và gắn kết với thị trường Việt Nam. Chúng tôi không phải là một tổ chức từ thiện hay một doanh nghiệp xã hội, tuy nhiên, thời gian tới sẽ chú trọng hơn nữa vào phát triển bền vững, hướng tới cộng đồng, xã hội.

Về niềm tin vào tương lai của thị trường Việt Nam, tôi chưa hình dung ra cách nào để diễn tả cho dễ hiểu. Song tôi muốn chia sẻ thế này, hồi đầu năm nay, Dragon Capital và Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam đã sáp nhập thành một công ty quản lý quỹ thực sự của Việt Nam - Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM). Chúng tôi thay đổi tên, mô hình để gắn bó lâu dài hơn với Việt Nam. Còn với cá nhân, tôi đã gắn bó với ngành Chứng khoán Việt Nam 25 năm qua, dù không biết điểm đích thế nào, nhưng mong rằng 25 năm nữa, dù ở bất kỳ vị trí nào trong công ty thì vẫn được làm việc tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

Tiếp tục hành trình xây thị trường vốn bền vững hơn

“Tôi học được một điều quan trọng rằng, cuộc đời này là một hành trình chứ không phải là một quá trình có mục đích cuối cùng. Điều quan trọng là trong hành trình đó mình luôn nỗ lực để tạo được uy tín, xây dựng được giá trị đạo đức, có ý nghĩa cộng đồng và cảm nhận được sự thú vị.

Trong cuộc sống, tôi nghĩ ai cũng có lòng trắc ẩn, nhưng với cá nhân tôi, được gắn bó với ngành Chứng khoán Việt Nam là một điều may mắn. Dù đã khá lớn tuổi và cũng gắn bó trên 30 năm, nhưng hành trình của tôi tại Việt Nam vẫn tiếp tục. Bởi tôi nghĩ, tiềm năng của TTCK Việt Nam vẫn còn rất lớn và đặc biệt là phụ thuộc vào các yếu tố nội tại của Việt Nam nhiều hơn. Tôi muốn mình, cũng như Dragon Capital vẫn trong hành trình đó”. - Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam.

Duy Thái (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam