COVID-19 tới 6h sáng 28/11:

Thế giới vượt 261 triệu ca mắc; thêm quốc gia có ca nhiễm 'siêu biến thể' Omicron

08:54 | 28/11/2021 Print
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 468.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 261 triệu ca, trong đó trên 5,21 triệu ca tử vong.

Thế giới vượt 261 triệu ca mắc; Thêm quốc gia có ca nhiễm 'siêu biến thể' Omicron
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (49.311 ca), Pháp (37.218 ca) và Nga (33.946 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.239 ca), Ukraine (568 ca) và Ba Lan (378 ca).

Tình hình dịch bệnh ở châu Âu phức tạp hơn khi có thêm một số quốc gia ở châu lục này phát hiện các ca mắc biến thể mới Omicron.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp biến thể này vào danh sách những biến thể đáng quan ngại. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Giám đốc bộ phận kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết hiện các nhà khoa học chưa biết nhiều về biến thể mới này và sẽ mất một vài tuần để có thể đánh giá đầy đủ.

Sau khi giới khoa học Nam Phi công bố thông tin về biến thể "siêu đột biến" này, một loạt quốc gia đã áp đặt biện pháp hạn chế nhập cảnh với người từ một số quốc gia châu Phi.

Thêm nhiều quốc gia hạn chế nhập cảnh do lo ngại biến thể mới Omicron

Brazil thông báo sẽ đóng cửa biên giới đối với các du khách tới từ 6 quốc gia miền Nam châu Phi gồm Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe do lo ngại biến thể mới Omicron.

Ông Ciro Nogueira, Chánh văn phòng của Tổng thống Brazil, nêu rõ nhà chức trách đang bảo vệ công dân Brazil trong giai đoạn mới của đại dịch ở nước này. Thông tin chính thức sẽ được công bố trong ngày 27/11 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 29/11.

Bộ trưởng Y tế Ireland Stephen Donnelly thông báo do lo ngại biến thể mới Omicron, Ireland đang cân nhắc tái khởi động cơ chế cách ly bắt buộc tại khách sạn, sau khi nước này khuyến cáo tránh hoạt động đi lại không thiết yếu tới 7 quốc gia ở miền Nam châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.

Ireland kêu gọi công dân nước này đang ở các nước trên trở về sớm nhất có thể và cách ly tại nhà trong vòng 10 ngày. Bộ trưởng Donnell cho biết sẽ đệ trình dự luật lên Quốc hội vào đầu tuần tới để tái kích hoạt cơ chế cách ly tại khách sạn vốn được dỡ bỏ vào cuối tháng 9 vừa qua.

Ngày 27/11, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này sẽ siết chặt kiểm soát biên giới đối với hành khách đến từ các quốc gia miền Nam châu Phi như Mozambique, Malawi và Zambia, yêu cầu mọi hành khách nhập cảnh phải thực hiện cách ly 10 ngày.

Nam Phi phản đối các nước cấm nhập cảnh

Bộ Y tế Nam Phi cho rằng việc vội vàng áp đặt lệnh cấm đi lại là sai lầm và trái với khuyến cáo của WHO.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố những lệnh cấm đi lại là "một cách tiếp cận sai, với định hướng sai và đi ngược lại các tiêu chuẩn cũng như khuyến nghị của WHO". So sánh tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày ở Nam Phi và ở một số nước châu Âu, Bộ trưởng ông Phaala cho rằng động thái trên của các nước châu Âu "không khoa học", đồng thời cảnh báo những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron.

WHO ngày 26/11 đã kêu gọi các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại thời điểm này. Theo người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier, sẽ mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới. Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về các đột biến và những ảnh hưởng của các đột biến đối với độc lực và khả năng lây lan của biến thể này, cũng như tác động đối với việc chẩn đoán, điều

Hà Lan xét nghiệm khẩn cấp hàng chục ca mắc COVID-19 trở về từ Nam Phi

Ngày 27/11, giới chức Hà Lan cho hay đã phát hiện 61 ca mắc COVID-19 trong số những người đến từ Nam Phi và đang tiến hành xét nghiệm khẩn cấp xem liệu những trường hợp này có nhiễm biến thể Omicron hay không.

Các ca mắc mới trong số khoảng 600 hành khách trên hai chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Schiphol của thủ đô Amsterdam vào ngày 26/11. Những hành khách trên đã đến Hà Lan trước khi nước này áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách từ một số quốc gia ở miền Nam châu Phi, trong đó có Nam Phi, do quan ngại biến thể Omicron.

Italy, Đức và Anh ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Ngày 27/11, Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại nước này. ISS cho biết biến thể Omicron được phát hiện trong mẫu xét nghiệm dương tính với COVID-19 của một bệnh nhân nhập cảnh Italy từ Mozambique. Người này cùng người thân đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã xác nhận hai trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Anh với biến thể Omicron. Hai trường hợp bị nhiễm này, một ở Chelmsford và trường hợp còn lại ở Nottingham, đã hoặc có liên quan đến việc di chuyển đến khu vực miền nam châu Phi. Tất cả các thành viên trong gia đình của 2 trường hợp này đã được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong khi các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành việc xét nghiệm và truy vết.

Tại Đức, hai ca mắc biến thể Omicron cũng đã được ghi nhận ở Bavaria. Hai người này tới sân bay Munich từ ngày 24/11 và xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron. Họ đang tự cách ly.

Thống đốc bang New York (Mỹ) ban bố tình trạng khẩn cấp

Thế giới vượt 261 triệu ca mắc; Thêm quốc gia có ca nhiễm 'siêu biến thể' Omicron
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ

Thống đốc bang New York, bà Kathy Hochul, đã ra tuyên bố "tình trạng khẩn cấp do thảm họa", trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm và nhập viện do COVID-19 tại bang này gia tăng.

Trong sắc lệnh công bố ngày 26/11, Thống đốc Hochul nhấn mạnh bang New York đang chứng kiến tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao chưa từng thấy từ tháng 4/2020, số ca nhập viện vì COVID-19 cũng tăng cao trong tháng qua với hơn 300 trường hợp mỗi ngày, vì vậy, cần tiến hành các biện pháp đồng bộ để bệnh viện không bị quá tải. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 26/11 đến ngày 15/1/2022.

Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất từ đầu dịch

Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh (KDCA) ngày 27/11 cho biết số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở nước này đã vượt 4.000 ca/ngày, trong khi số ca tử vong và phải điều trị tích cực cũng đều tăng lên các mức cao chưa từng thấy.

Cụ thể, theo các số liệu của KDCA, Hàn Quốc ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 436.968 ca. Đây là số ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca đầu tiên vào tháng 1/2020.

Trong khi đó, số ca phải điều trị tích cực là 634 ca, tăng 17 ca so với ngày trước đó, cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 52 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 3.492 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,8%.

Số ca nhiễm và phải điều trị tích cực gia tăng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu giường bệnh, đặc biệt tại vùng thủ đô Seoul, nơi khoảng một nửa dân số Hàn Quốc sinh sống./.

Anh Tuấn (tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam