Ra mắt "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử

19:55 | 30/11/2021 Print
(TBTCO) - "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" là không gian hàng hóa Việt đầu tiên trên sàn thương mại điện tử quốc tế, sẽ giúp doanh nghiệp Việt rộng cửa hơn khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc qua kênh trực tuyến.

Ngày 30/11/2021, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) họp báo công bố chương trình "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử JD.COM.

Gian hàng Quốc gia Việt Nam sẽ là không gian hàng hoá Việt đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung do Cơ quan phía Việt Nam (Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số) chủ trì triển khai qua phương thức thông thương mại điện tử xuyên biên giới.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình.

Ra mắt
Đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số ký kết biên bản với các đối tác triển khai chương trình. Ảnh: CTV

Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tập hợp, tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên hệ thống của JD theo đúng quy định của sàn thương mại điện tử và của luật pháp tại nước nhập khẩu, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo mô hình B2B2C đã được nhiều quốc gia triển khai thời gian qua.

Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu. Hình thức này sẽ giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm của doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt đến người dùng cuối tại nhiều thị trường mà không phải qua các khâu trung gian, có thể giúp phát triển và duy trì thương hiệu của sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu. Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham nhập vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.

Để vận hành gian hàng, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị như VinaNutrifood, Viettel Post, VP Bank… tạo thành kênh phân phối mới cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, thúc đẩy giao thương, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế.

Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp cần phải hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, tập trung vào những sản phẩm là lợi thế. Có kỹ năng quảng bá, tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa đảm bảo đạt tiêu chuẩn, nắm rõ quy trình vận hành logistics xuyên biên giới, bảo quản hàng hóa...Tuy vậy, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, cũng chỉ ra những thách thức khi thực hiện giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới là khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam