Thị trường chứng khoán chao đảo vì biến thể Covid-19 mới

14:47 | 30/11/2021 Print
Sự xuất hiện của Omicron – biến thể mới vừa được phát hiện của virus Corona với khả năng lây lan nhanh hơn, đặc biệt là khả năng kháng vaccine khiến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu chao đảo. Chứng khoán tại hầu hết các thị trường lớn thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm mạnh, tuy nhiên mọi thứ mới chỉ bắt đầu.

Sự nguy hiểm của biến thể mới

Biến thể mới của virus corona này có tên ban đầu là B.1.1.529, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là Omicron, được Nam Phi thông báo ngày 25/11 và cho đây là nguyên nhân dẫn tới 90% số ca mắc mới Covid-19 tại nước này.

Ngoài Nam Phi, biến thể được đánh giá là tiến hóa nhất từ trước đến nay cũng có mặt ở Botswana (4 ca), Hồng Kông (1 ca), Bỉ (1 ca). Dù chỉ có một vài ca mắc biến thể này ngoài Nam Phi, nhưng vì có tới 32 biến thể (gấp 2 lần so với biến thể Delta), Omicron có thể tọa ra khả năng kháng vaccine, điều này khiến WHO và toàn thế giới lo ngại.

Mặc dù chưa rõ những mối đe dọa của biến thể “siêu đột biến”, nhưng WHO đã phải họp khẩn đề bàn về biến thể này. Tổ chức này đã đưa Omicron vào danh sách “biến thể đáng lo ngại” là mức độ nghiêm trọng nhất, tức nhóm các biến thể có khả năng lây truyền hoặc độc lực cao hơn, hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine.

Thị trường chứng khoán chao đảo vì biến thể Covid-19 mới
TTCK giảm điểm chủ yếu do lực bán ra mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nhằm chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn. Ảnh: TL

WHO cho biết “Omicron có lợi thế về tăng trưởng” và ghi nhận “nguy cơ tái nhiễm gia tăng” so với các biến thể khác. Theo đó, khả năng lây lan của biến thế này gấp 5 lần so với biến thể Delta.

Ngày 26/11 đánh giá mối đe dọa từ Omicron, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa ra khuyến cao nguy cơ cao, dựa trên khả năng các vaccine Covid-19 hiện nay có thể không chống lại được chủng mới.

Tiến sỹ Andrea Ammon, giám đốc ECDC lưu ý: “Omicron là biến thể khác biệt nhất đã được phát hiện kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, điều này làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể lây lan nhanh hơn, làm giảm đáng kể hiệu quả của vaccine và tăng nguy cơ tái nhiễm virus”.

Nhiều quốc gia đã rất cảnh giác, thực hiện ngay các biện pháp chặn trước biến thể từ đầu. Anh đã nhanh chóng áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với Nam Phi cùng 5 quốc gia láng giềng của nước này. Singapore thắt chặt kiểm soát nhập cảnh với 7 quốc gia châu Phi. Israel thông báo đưa một loạt quốc gia ở miền nam châu Phi vào diện “cảnh báo đỏ” liên quan đến dịch Covid-19. Từ 29/11, Mỹ cũng hạn chế nhập cảnh với 8 nước châu Phi.

Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm

Các biện pháp hạn chế đi lại, đặc biệt là liên quan đến khu vực châu Phi cũng như mối lo ngại về việc bùng phát dịch với biến thế mới với mức độ nguy hiểm cao hơn đã khiến TTCK chao đảo. Sự bất định đã khiến TTCK dù hoạt động nhộn nhịp trong thời gian qua vẫn chịu rung lắc mạnh. Nhiều đơn vị quan sát thị trường nhận định biến động biên độ lớn có thể sẽ tiếp diễn khi các quốc gia đánh giá nguy cơ liên quan đến biến thể mới.

Nhà chiến lược Keith Lerner từ Truist nhận định “Dịch bệnh và các biến thể Covid sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất với các thị trường và dự kiến sẽ tiếp tục gây ra biến động mạnh”.

Trên TTCK thế giới, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã có ngày giảm điểm tệ nhất từ tháng 2/2021 khi đóng cửa giảm 2,3% sau phiên ngày 26/11, trong khi chỉ số Nasdaq cũng giảm 2,2%.

Ở châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa phiên gần nhất giảm 2,5%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,7%. Tại châu Âu, nhóm cổ phiếu năng lượng dẫn dắt đà giảm của thị trường, chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 3,7% sau phiên gần nhất.

Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,6%, trong khi các chỉ số quan trọng khác tại Pháp và Tây Ban Nha cũng giảm khoảng 5%.

Các cổ phiếu liên quan đến du lịch, vận chuyển, hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cổ phiếu Carnival Corp. và Royal Caribbean lần lượt giảm 11% và 13,2%. Cổ phiếu của United Airlines giảm hơn 9%, còn cổ phiếu của American Airlines giảm 8,8%. Cổ phiếu của Boeing giảm hơn 5%, và cổ phiếu của Marriot International giảm gần 6,5%. Công ty mẹ của British Airways ghi nhận cổ phiếu mất 15% giá trị trong phiên gần nhất, đây là mức giảm mạnh nhất trong nhóm FTSE 100.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng lao dốc mạnh do lo ngại tăng trưởng kinh tế giảm tốc dưới tác động của biến thể mới. Cổ phiếu Bank of America giảm 3,9%, còn cổ phiếu Citigroup giảm 2,7%. Các cổ phiếu công nghiệp liên quan đến kinh tế toàn cầu cũng phủ kín sắc đỏ, dẫn đầu là đà giảm 4% của cổ phiếu Caterpillar, trong khi cổ phiếu của Chervon hạ 2,3% khi nhóm cổ phiếu năng lượng phản ứng với đà lao dốc lịch sử của giá dầu.

TTCK giảm điểm chủ yếu do lực bán ra mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nhằm chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện vẫn chưa thể khẳng định thị trường sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nào bởi các thông tin y tế, mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron mới chỉ là “cảnh bảo”.

Theo Kiran Ganesh – nhà phân tích chiến lược từ UBS Global Wealth Management nhận định rằng: “Thị trường ghi nhận lượng báo tháo mạnh là hệ quả của tâm lý lo ngại với thông tin mới, bên cạnh đó thị trường cũng đã tăng trưởng khá mạnh với biên độ dao động thấp trong thời gian gần đây. Vẫn còn quá sớm để đánh giá biến thể mới sẽ tác động ra sao”.

Trong khi đó, Keith Lerner cho rằng: “Việc bán tháo nhiều khả năng sẽ xảy ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã tăng cao trong thời gian gần đây và chưa có điều chỉnh nào tới khuyến nghị đầu tư ở thời điểm này”./.

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam