Bị siết trái phiếu, số liệu tài chính các ngân hàng sẽ “thật” hơn

07:23 | 02/12/2021 Print
(TBTCO) - Thông tư 16/2021/TT-NHNN với nhiều điều khoản siết các ngân hàng mua bán trái phiếu doanh nghiệp khiến cho các ngân hàng gò bó hơn. Nhưng điều này cũng giúp cho tình hình tài chính của các ngân hàng lành mạnh hơn, đặc biệt là việc hạn chế dùng trái phiếu để làm thay đổi các số liệu tài chính vào cuối các kỳ kế toán.

Khó “lách” qua khe cửa hẹp

Thông tư 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp đã có những nội dung chặt chẽ hơn trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng.

Bị siết trái phiếu, số liệu tài chính các ngân hàng sẽ “thật” hơn

Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó (trừ một số trường hợp đặc biệt khi phải nhận chuyển giao bắt buộc).

Ngoài ra, Thông tư 16 cũng quy định một số trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp. Đó là trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. Một nội dung đáng chú ý nữa là tổ chức tín dụng sau khi bán trái phiếu phải chờ 12 tháng sau mới được mua lại số trái phiếu đã bán đó.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Thành Hòa - chuyên viên phân tích mảng ngân hàng thuộc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, một trong những nội dung có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến các ngân hàng là quy định không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động. Bởi lẽ, những doanh nghiệp phát hành dạng này thời gian qua rất nhiều và ngân hàng cũng là lực lượng tham gia nhiệt tình với vai trò nhà đầu tư.

Với quy định này, thực tế vẫn có thể vẫn có “khe cửa” để các ngân hàng “lách”, bằng cách mua gián tiếp qua một tổ chức trung gian (thông thường là các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư…). Tuy nhiên, theo ông Hòa, khe cửa này là khá hẹp, bởi thường công ty chứng khoán quy mô không đủ lớn để làm trung gian cho các ngân hàng mua gián tiếp trái phiếu qua họ quá nhiều. Trong khi đó, các quỹ đầu tư cũng bị hạn chế tỷ lệ phần trăm cho mỗi giao dịch, nên cũng sẽ khó đáp ứng được quy mô giao dịch của các ngân hàng.

Bớt công cụ “phù phép” số liệu tài chính

Theo một số chuyên gia tài chính, các quy định chặt chẽ hơn đối với việc ngân hàng mua trái phiếu có tác dụng một phần giúp ngân hàng (và cả các nhà đầu tư khác) khi đầu tư trái phiếu sẽ có sự chọn lọc kỹ càng hơn, ít sa đà vào những loại trái phiếu có rủi ro cao. Mặc khác, việc siết chặt hơn này một phần cũng hạn chế các ngân hàng lạm dụng các biện pháp “xử lý kỹ thuật” để làm thay đổi số liệu báo cáo tài chính.

Liên quan đến việc hạn chế bớt dòng tiền đối với trái phiếu rủi ro cao, ông Phạm Minh Tuấn - CEO Công ty AFA Capital cho biết, thị trường thời gian qua hay nói đến loại trái phiếu “3 không”. Đó là trái phiếu không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm và không bảo lãnh thanh toán.

Thông thường với thị trường Việt Nam, quy định xếp hạng tín nhiệm chỉ mới bắt đầu nên số doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm còn ít, nhưng rủi ro nằm ở những trái phiếu không tài sản đảm bảo và không bảo lãnh thanh toán cũng rất lớn. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, khi có quy định hạn chế ngân hàng mua trái phiếu thì tổng dòng tiền vào trái phiếu cũng sẽ hạn chế và qua đó, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội sàng lọc để chọn những trái phiếu có an toàn cao, tránh sa đà vào những trái phiếu “3 không” như trên.

Bên cạnh đó, riêng với ngân hàng, một trong những quy định đáng chú ý trong Thông tư 16 là ngân hàng sau khi bán trái phiếu phải sau 1 năm mới được mua lại. Đây là quy định nhìn bề ngoài có phần khó hiểu, nhưng về bản chất đó là một hàng rào kỹ thuật để hạn chế việc các ngân hàng lạm dụng nghiệp vụ repos trái phiếu vào thời điểm chuyển giao giữa các kỳ kế toán để “xào nấu” số liệu tài chính. Ví dụ, ngân hàng A có thể bán một khối lượng trái phiếu vào cuối tháng 12 năm trước và cam kết với đối tác mua lại vào đầu tháng 1 năm sau. Động thái này có thể sẽ làm biến động số liệu về dư nợ tín dụng, cơ cấu tài sản, dòng tiền… của ngân hàng tại thời điểm cuối niên độ kế toán.

Quy định về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp

Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp (DN): trái phiếu của một DN phát hành; trái phiếu của một DN phát hành và người có liên quan phát hành; trái phiếu DN có bảo đảm; trái phiếu DN không có bảo đảm; trái phiếu DN đầu tư sẵn sàng để bán; trái phiếu DN đầu tư giữ đến ngày đáo hạn; trái phiếu DN kinh doanh.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam