Tập đoàn Lộc Trời (LTG): Cổ phiếu lao dốc và “điểm gợn” hàng tồn kho

07:01 | 02/12/2021 Print
(TBTCO) - Sau chu kỳ tăng giá mạnh, cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (sàn UPCoM) đang lao dốc để lại sự tiếc nuối trong những nhà đầu tư chưa kịp thoát hàng. Trong bối cảnh này, tình hình tài chính của Lộc Trời cũng nổi lên những “điểm gợn” khi doanh nghiệp đang chôn vốn hàng nghìn tỷ trong hàng tồn kho.

Thoái trào sau đợt "thăng hoa"

Giai đoạn từ đầu tháng 11 đến nay là thời kỳ đen tối đối với cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời, khi rớt giá từ đỉnh trên 44.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn khoảng 38.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, cổ phiếu này đã có một giai đoạn đi lên khá ấn tượng, tăng từ mức khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 9 lên mức trên 44.000 đồng/cổ phiếu và đầu tháng 11.

Tập đoàn Lộc Trời (LTG): Cổ phiếu lao dốc và “điểm gợn” hàng tồn kho
Lộc Trời (LTG): Cổ phiếu lao dốc và “điểm gợn” từ hàng tồn kho
Nhiều doanh nghiệp bất động sản báo lãi trong bối cảnh hàng tồn kho cao MPC: Hàng tồn kho đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tất cả đang thế chấp ngân hàng Yeah 1 (mã YEG): Hàng tồn kho ‘bay hơi' 75% giá trị

Đợt tăng giá của cổ phiếu LTG diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế quý III/2021 của doanh nghiệp này sụt giảm khá mạnh. Cụ thể theo kết quả kinh doanh quý III, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III đạt 1.992 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của Lộc Trời trong giai đoạn này cũng tăng mạnh, thậm chí tốc độ tăng nhanh hơn so với doanh thu nên lợi nhuận gộp vẫn giảm, cụ thể là 354 tỷ đồng, giảm 5%.

Ngoài ra, doanh nghiệp này chịu gánh nặng tăng cao của phần lớn các khoản chi phí gồm cả chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… Do đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 31 tỷ đồng trong quý III/2021, giảm tới 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời đạt 262 tỷ đồng, tuy vẫn tăng khá khoảng 28% so với 9 tháng đầu năm 2020, nhưng kết quả tăng trưởng 9 tháng đã giảm khá nhiều so với tăng trưởng lợi nhuận 103% của nửa đầu năm 2021.

Lộc Trời là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh vật tư nông nghiệp… Do đó, biến động giá của những mặt hàng hỗ trợ nông nghiệp như vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu… là những yếu tố khá nhạy cảm đến công ty này. Đồng thời với doanh nghiệp, ngoài việc trực tiếp sản xuất, thời điểm nhập hàng và việc quyết định lượng hàng tích trữ cũng có thể làm thay đổi đáng kể kết quả kinh doanh chung. Hay nói nôm na, ván bài “buôn” hàng tồn kho là một cuộc chơi đầy may rủi cho các doanh nghiệp ưa thích phiêu lưu với giá nguyên liệu.

Gánh nặng hàng tồn kho

Ngoài các số liệu kinh doanh, chỉ tiêu tài chính đáng chú ý của Lộc Trời trong 9 tháng đầu năm 2021 là sự tăng vọt của hàng tồn kho. Cụ thể, giá trị hàng tồn kho tăng từ 2.501 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên mức 4.120 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 9 (tăng 64,7%). Giá trị hàng tồn kho cuối quý III/2021 theo đó đang ở mặt bằng khá cao so với cùng thời điểm này của các năm trước.

Trong cơ cấu hàng tồn kho của Lộc Trời, hàng tồn kho là nguyên liệu tăng khá mạnh từ 506 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.275 tỷ đồng vào cuối tháng 9 (tăng 152%). Ngoài ra, hàng tồn kho là thành phẩm và hàng tồn kho là hàng hóa cũng đều có xu hướng tăng, với giá trị cuối tháng 9 là 1.070 tỷ đồng và 1.756 tỷ đồng.

Việc gia tăng tiền cho mua thêm nguyên vật liệu tích trữ dưới dạng hàng tồn kho khiến cho doanh nghiệp hao hụt khá nhiều nguồn lực tài chính cho tài sản này. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Lộc Trời trong 9 tháng đầu năm 2021 âm tới 1.683 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái dòng tiền kinh doanh dương 212 tỷ đồng).

Trong khi ngập khá nhiều tiền vào hàng tồn kho, Lộc Trời cũng vẫn nuôi tham vọng đầu tư để nâng cấp, bổ sung tài sản cố định. Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp này chi 202 tỷ đồng cho việc mua tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác. Việc này cũng đã khiến cho doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 204 tỷ đồng.

Động thái đầu tư cho tài sản cố định thực chất tuy là việc làm cần thiết và thường xuyên với phần lớn doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh đang âm rất lớn, ít nhiều việc đầu tư trên cũng làm tăng sức ép dòng tiền lên đôi vai của công ty.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp đã phải gia tăng vay nợ để bù đắp các khoản thâm hụt dòng tiền. Nợ phải trả của Lộc Trời theo đó đã tăng từ 4.084 tỷ đồng lên 5.263 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm (tăng 29%). Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 1,4 lần hồi đầu năm lên mức hơn 1,8 lần vào cuối quý III/2021.

Trong cơ cấu nợ, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu với giá trị là 5.188 tỷ đồng, chiếm gần 99% tổng nợ, trong đó, riêng vay ngắn hạn là 3.802 tỷ đồng. Thông thường, doanh nghiệp có tỷ trọng nợ ngắn hạn lớn đồng nghĩa với áp lực trả nợ cũng sẽ lớn hơn so với những doanh nghiệp có nợ nằm nhiều ở nợ dài hạn.

Trong khi đó, giá trị vay đã tăng 85% so với đầu năm và gánh nặng chi phí lãi vay đang đè nặng lên doanh nghiệp. Quý III/2021, chi phí lãi vay của Lộc Trời đã tăng 96% so với cùng kỳ; chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2021 cũng đã tăng hơn 64% so với cùng kỳ.

Hàng tồn kho tại thời điểm đầu năm và cuối tháng 9 trong các năm qua (tỷ đồng)

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Số đầu năm

2.148

3.096

2.492

2.500

Số cuối tháng 9

3.178

2.440

2.839

4.120

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam