Thiếu kinh phí, đào tạo nghề nông thôn không đạt chỉ tiêu

09:20 | 02/12/2021 Print
(TBTCO) - Năm 2021, nhiều địa phương không thể hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nguyên nhân chính là bởi thiếu kinh phí đào tạo hoặc kinh phí đào tạo chuyển về chậm.

"Trắng" đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Là địa phương có thế mạnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng năm 2021 tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Bình gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Hồng Giang - Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Thái Bình, khó khăn lớn nhất chính là vấn đề kinh phí.

Ông Giang cho biết, năm 2021 Sở LĐTBXH cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp triển khai phân bổ kinh phí đào tạo nghề từ chương trình nông thôn mới, tuy nhiên công tác phối hợp gặp nhiều khó khăn. Bản thân nguồn kinh phí về cũng chậm.

Không có kinh phí nên toàn tỉnh không đào tạo được lớp dạy nghề nào cho lao động nông thôn. Tỉnh chỉ đào tạo được một số lớp dạy nghề ngắn hạn, dạy nghề sơ cấp dưới 3 tháng. Một số huyện có ứng kinh phí trước để đào tạo nhưng không nhiều, kinh phí chỉ trên dưới 100 triệu nên hoạt động đào tạo nghề không đảm bảo mục tiêu. Các lớp dạy nghề ngắn hạn chủ yếu là đào tạo nghề lái xe.

Thiếu kinh phí, đào tạo nghề nông thôn không đạt chỉ tiêu

Lao động nông thôn ở Thanh Hóa được dạy nghề mây tre đan năm 2018. Ảnh: Minh Anh

Tương tự Thái Bình, Thừa Thiên- Huế cũng gặp phải câu chuyện này. Đầu năm, tỉnh này đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 2.500 lao động nông thôn, tuy nhiên dù ở thời điểm tháng 11 thì tỉnh vẫn chưa thể hoàn thành được mục tiêu.

Đại diện Phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH tỉnh cho biết, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh và nguồn kinh phí chậm. Vì thế, phần lớn số lao động được đào tạo nằm trong chương trình đào tạo nghề sơ cấp, ngắn hạn 3 tháng.

Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhưng không đáng kể, chủ yếu học lồng ghép với chương trình đào tạo nghề sơ cấp. Sở này cũng đang kiến nghị UBND và đơn vị phối hợp triển khai phân bổ ngân sách phục vụ đào tạo.

Không riêng gì 2 tỉnh trên, một loạt các địa phương khác như: Phú Thọ; Thanh Hóa; Ninh Bình; Quảng Nam... cũng gặp khó khăn tương tự. Chỉ một số ít tỉnh thành tự chủ được ngân sách là có thể bố trí ngân sách cho hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, nhưng nguồn kinh phí cũng không nhiều.

Đề nghị ưu tiên phân bổ ngân sách đào tạo nghề

Trước thực trạng trên, Bộ LĐTBXH đã sớm có văn bản gửi các địa phương đề nghị tiếp tục triển khai hoạt động đào tạo nghề. Bên cạnh đó, đa dạng các ngành nghề cần dạy cho lao động nông thôn.

Nội dung yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ số kinh phí thường xuyên và hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 để quyết định phân bổ chi tiết kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Bộ LĐTBXH cũng đề nghị địa phương công khai, minh bạch số liệu phân bổ kinh phí thực hiện nội dung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và bảo đảm đồng bộ giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện.

Bộ LĐTBXH đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để có đủ nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2021.

Tuy có văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác triển khai nhưng thực tế vấn đề phân bổ ngân sách, kinh phí đào tạo nghề tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) thừa nhận các khó khăn mà địa phương đang gặp phải. Ông Độ cho rằng, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh và vấn đề thiếu hụt nguồn kinh phí hoặc kinh phí dạy nghề bị phân bổ chậm.

Theo ông Độ, hiện cả nước có 1,3 triệu lao động được đào tạo ngắn hạn, số lao động nông thôn được đào tạo chưa có. Hiện tổng cục đang yêu cầu các địa phương báo cáo.

Để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng "Chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030”. Dự thảo đã hoàn thiện lấy ý kiến các bộ ngành, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, dự thảo sẽ được phê duyệt sớm ban hành trong tháng 12/2021.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam