Xem xét ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

10:12 | 02/12/2021 Print
(TBTCO) - Chiều 1/12, Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện và công tác tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, ngày 26/3/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định 02-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, chính sách phát triển mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với tình hình mới.

Ngay sau khi được thành lập, mặc dù trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Ban Chỉ đạo đã tích cực tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động tổng kết theo kế hoạch. Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, khảo sát, làm việc với một số địa phương; lấy ý kiến đóng góp quý báu của các thành viên ban chỉ đạo, tổ biên tập, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về xây dựng, hoàn thiện các đề cương, nội dung có liên quan đến xây dựng dự thảo các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp tổng kết Nghị quyết, đảm bảo chất lượng và thời gian theo kế hoạch.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Lê Minh Hoan khẳng định, nông nghiệp là một ngành thiết yếu, thước đo mức độ bền vững của nền kinh tế. Vì vậy, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, trong bối cảnh thế giới đang phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, Việt Nam phải thực hiện các cam kết trong hội nhập về thương mại, môi trường...; sự chuyển dịch lao động về khu vực nông thôn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp nông thôn tiến hành tổng kết, tham mưu xây dựng nghị quyết với cách tiếp cận mới, phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; một số những vướng mắc tại một số địa phương; đồng thời nhất trí cần cụ thể hóa, phát triển các nội hàm phù hợp trong bối cảnh mới được nêu trong các văn kiện Đại hội XIII về quan điểm, chủ trương: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ làm đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; các nội dung mới trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những quan điểm mới về chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới; những nhiệm vụ từng bước thu hẹp khoảng cách thu nhập và về hưởng thụ dịch vụ, văn hoá, giáo dục, xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội…

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Bộ NN&PTNN đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.

Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bao trùm cả ba lĩnh vực, có ý nghĩa to lớn.

Những thành tựu quan trọng đó không chỉ được nhân dân trong nước ghi nhận mà còn được quốc tế đánh giá cao, nhất là những thành tựu về xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, sản xuất lương thực, thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cũng nhấn mạnh, ý kiến nhiều đại biểu tại hội nghị đã làm rõ hơn sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang đứng trước những thách thức rất lớn trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạnh tranh, hội nhập quốc tế và những khó khăn tồn tại trong nội tại.

Ngoài ra, còn những vấn đề vướng mắc trong quản lý nhà nước; hạ tầng cho phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao; cơ chế chính sách tạo đột phá trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp cần được khai thông, đổi mới; tổ chức sản xuất còn rất chậm, chưa theo kịp tình hình và nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất trong bối cảnh hội nhập quốc tế với yêu cầu chất lượng sản phẩm cạnh tranh cao, chưa thích ứng cao với tác động của biến đổi khí hậu… sẽ tác động tới việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra trong giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ NN&PTNN căn cứ các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục bổ sung, tham gia xây dựng báo cáo tổng kết; yêu cầu tổ biên tập, ban chỉ đạo tiếp thu cao nhất các ý kiến đóng góp tại hội nghị để xây dựng báo cáo tổng kết đảm bảo chất lượng trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét ban hành nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta trong thời kỳ mới.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam