Năm 2022:

Mục tiêu giữ ổn định lạm phát sẽ không dễ dàng

08:35 | 05/12/2021 Print
(TBTCO) - Không ít người vào cuối năm trước đã dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 sẽ tăng cao, nhưng đến tháng 11, diễn biến lại không như vậy. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 11 chỉ tăng 0,32%, tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Dịch bệnh khiến người dân dè dặt chi tiêu

Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 tháng, có 4 tháng CPI giảm, 7 tháng tăng, nhưng trong đó có một số tháng tăng rất thấp (tháng 1, tháng 5, tháng 6).

Mục tiêu giữ ổn định lạm phát sẽ không dễ dàng

Sau 11 tháng (tức tháng 11/2021 so với tháng 12/2000) còn cách xa so với 2%. Còn sau 1 năm (tức tháng 11/2021 so với tháng 11/2020) cũng vẫn cách xa so với mức 2%. Bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước ở dưới mốc 2% và còn thấp xa so với mục tiêu cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội (4%).

Như vậy, dù so sánh với các mốc thời gian nào thì CPI 11 tháng năm 2021 vẫn thấp. Đó là tín hiệu khả quan để dự báo cả năm 2021 sẽ tăng khá thấp có thể chỉ bằng một nửa tốc độ tăng so với mục tiêu.

Xét theo nhóm hàng hóa, dịch vụ, có những diễn biến đáng lưu ý. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (33,56%) - tăng rất thấp: tháng 11 giảm 0,17%, sau 11 tháng chỉ tăng 0,33%, sau 1 năm giảm 0,08%, bình quân 11 tháng chỉ tăng 0,74% - thấp rất xa so với mốc chung của cả năm (4%).

Trong 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại, bình quân 11 tháng chỉ có 1 nhóm tăng cao là giao thông, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao vào mấy kỳ trước, gần đây đã giảm xuống. Hai nhóm còn lại bị giảm: bưu chính, viễn thông giảm 0,74% văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,97%.

Xét theo các yếu tố tác động, thì CPI 11 tháng và dự báo cả năm 2021 cũng có những diễn biến đáng lưu ý.

Xét yếu tố tổng quát nhất của lạm phát là quan hệ cung - cầu thường được gọi là “cầu kéo”. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) nếu loại trừ yếu tố giá so với cùng kỳ của 8 tháng giảm 6,2%; của 9 tháng giảm 8,7%, của 10 tháng giảm 10,3%, của 11 tháng giảm 10,4%. Sự sụt giảm diễn ra ở cả 4 ngành, kể cả ngành bán lẻ hàng hóa là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất (83,1%) và giảm sâu hơn ở các ngành còn lại: dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, lữ hành, dịch vụ khác.

Xét yếu tố “chi phí đẩy”, giá nhập khẩu tăng ở hầu hết các mặt hàng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá nhập khẩu 11 tháng năm nay so với cùng kỳ tăng cao, như: phế liệu sắt thép tăng 64,6%, quặng và khoáng sản khác tăng 58,6%, dầu thô tăng 57,3%, khí đốt hóa lỏng tăng 49,8…

Trong khi đó, yếu tố tiền tệ - yếu tố trực tiếp đối với lạm phát và cũng là yếu tố để lạm phát bộc lộ ra - tuy tỷ lệ tổng phương tiện thanh toán/GDP ở mức cao (đến cuối năm trước đã là 192,4%), tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã là 145,1%, nhưng sức ép đối với lạm phát năm nay chưa cao.

Bên cạnh các yếu tố trên còn phải kể đến yếu tố tâm lý, nổi rõ ở 3 điểm: CPI tăng thấp, giá USD giảm (tháng 11 giảm 0,21%, sau 11 tháng giảm 1,4%, sau 1 năm giảm 1,63%, bình quân 11 tháng so với cùng kỳ giảm 1%.); sự “bào mòn” do đại dịch đã làm xuất hiện tâm lý thận trọng với dịch bệnh (kể cả việc giảm đi khám chữa bệnh), dè dặt chi tiêu; người tiêu dùng tăng tính tự cấp, tự túc, giảm việc mua bán trên thị trường.

Nhiều yếu tố cảnh báo cho năm 2022

Mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2022 là CPI tăng khoảng 4%. Đây là quyết tâm cao của Quốc hội và các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, nếu thực hiện được, thì năm 2022 sẽ là năm thứ 9 liên tục kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (tính từ 2014).

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu trên của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm. Cảnh báo này xuất phát từ một số yếu tố chủ yếu sau.

Trước hết là quan hệ cung - cầu. Mục tiêu tăng cung (GDP) đòi hỏi phải tăng vốn đầu tư phát triển từ các nguồn, bởi vốn đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng/giảm GDP; đồng thời vốn đầu tư tăng cũng làm tăng cầu khi thu thập và sức mua có khả năng thanh toán tăng theo. Cả cung và cầu bị “bào mòn”, “kìm nén” trong 2 năm 2019 - 2020 sẽ cộng hưởng cùng tăng, khi đại dịch được kiểm soát, hình thành trạng thái “bình thường mới”.

Các gói “kích thích”, “kích cầu” lớn theo đề xuất và được quyết định, cùng với phương thức “kích thích”, “kích cầu” giống như năm 2019 thì càng phải cẩn trọng, bởi quy mô lớn hơn nhiều, khi cấp bù lãi suất sẽ kéo theo một lượng tín dụng “khủng” ra thị trường, trong khi tỷ lệ này/GDP đã rất cao. Khi lạm phát cao lên, thì thường vòng quay tiền tệ sẽ tăng lên, làm cho lượng tiền tệ tăng kép. Với sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường, sẽ có một lượng tiền lớn đang bị “chôn” vào các kênh khác sẽ chuyển sang và gây sức ép đến thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Ngoài ra, nhập khẩu lạm phát được dự đoán sẽ tăng cao, khi các đối tác thương mại lớn có mức lạm phát cao kỷ lục trong mấy chục năm tiếp tục tăng các gói kích cầu lớn cùng với sự phức tạp của đại dịch,… Trong khi đó, yếu tố tâm lý - tuy không phải là yếu tố kinh tế - nhưng trong nhiều trường hợp còn tác động lớn hơn cả yếu tố kinh tế. Đồng thời, về mặt tính toán, do số gốc so sánh là giá tiêu dùng năm 2020 thấp, thì tốc độ tăng năm 2021 sẽ cao lên.

4 nguyên nhân khiến yếu tố tiền tệ không gây áp lực lên lạm phát

Thứ nhất, tỷ lệ tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng/tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi năm 2020 thấp hơn một số năm trước (11,05% so với 11,33% của năm 2019, so với 12,07% của năm 2015,…). Thứ hai, vòng quay tiền tệ năm 2020 chỉ còn 0,52 vòng (thấp hơn 3 năm trước: 2019 là 0,57 vòng, 2018 là 0,6 vòng, 2017 là 0,61 vòng,…).

Thứ ba, có một lượng tiền vốn không nhỏ đang bị “chôn” vào vàng, bất động sản, tiền ảo và đầu tư vào chứng khoán, chưa gây sức ép đối với giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Thứ tư, với các chính sách tiền tệ cùng gói kích cầu, dòng tiền trên thị trường đã có phản ứng, nhưng lại “chôn” vào các kênh không phải trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng.

Phương Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam