Lo ngại trước biến chủng Covid-19 mới, thị trường giảm điểm mạnh

21:14 | 03/12/2021 Print
(TBTCO) - Phiên cuối tuần không có gì lạ thường, cho đến khi đột nhiên nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Không có bất kỳ tin tức gì đặc biệt xấu, nếu không tính tới việc biến chủng Covid Omicron đã lan sang châu Á khi Malaysia và Singapore ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.

Bán tháo ồ ạt

Nhìn vào diễn biến của phiên hôm nay, không ai có thể nghĩ rằng thị trường lại bị bán tháo mạnh như vậy. Cả buổi sáng giao dịch tuy yếu, nhưng mức giảm của VN-Index cũng nhẹ, cổ phiếu tăng giảm phân hóa, thậm chí VN30-Index còn tăng là chủ đạo.

Thay đổi đột biến xuất hiện khoảng 2h chiều. Đồng loạt blue-chips bị bán tháo chứ không riêng gì mã trụ nào. VIC là cổ phiếu mạnh nhất buổi sáng, đến khoảng 2h chiều cũng vẫn tăng 1,3%. Mã trụ này cũng đột ngột hạ độ cao rất nhanh và đến khoảng 6 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục thì cũng đỏ.

Tổng hợp sức ép của gần như tất cả cổ phiếu trong rổ VN30 đã khiến VN-Index mất điểm rất nhanh. Lúc 2h chỉ số giảm khoảng 7 điểm, nhưng chỉ sau 10 phút đã giảm gấp đôi (19 điểm) và đến trước khi bước vào ATC, giảm trên 28 điểm. Đóng cửa chỉ số mất tiếp 10 điểm nữa.

Giảm sốc nhất 3 tháng, thị trường không chỉ lo biến chủng Covid
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Ngay cả VIC đóng cửa cũng sụt giảm 1,59% so với tham chiếu. VHM giảm 2,55%, VCB giảm 1,11%, HPG giảm 1,85%, BID giảm 4,95%, CTG giảm 2,37%, TCB giảm 2,9%... Các trụ lớn nhất của VN-Index giảm cỡ này thì chỉ số không thể chống đỡ nổi. Đó là chưa kể toàn bộ 30 mã của VN30 thì chỉ còn PDR tăng 0,11% mà mã này cũng vốn hóa quá nhỏ đối với chỉ số.

Tất cả các nhóm cổ phiếu, bất kể là đầu cơ hay cơ bản, đều giảm phiên này. Sàn HoSE vẫn có 61 mã ngược dòng, nhưng chủ yếu là thanh khoản thấp. Số ít giao dịch ổn định và có thanh khoản là CIG, APG, ROS, KPF, HDC, CRE, QBS, TLD, CKG, TCM, tăng được trên 2%. Chỉ số đại diện smallcap giảm 2,41%, midcap giảm 3,51%. Điểm tích cực duy nhất là hiện tượng giảm sàn hàng loạt cũng không quá rộng: HoSE ghi nhận 25 mã sàn và HNX chỉ có 8 mã.

Nếu có ngoại lệ thì có lẽ là trên sàn UPCOM. Sàn này có chỉ số giảm 2,13% nhưng vẫn tới 67 mã kịch trần. Vấn đề chính ở những mã trần này là thanh khoản cũng rất nhỏ. Chỉ một số cổ phiếu nhận được dòng tiền nổi trội hơn là GTT, PVX, PXL, ATA, DIC, AVF, KSK, PPI, DCS, DPS.

Giảm sốc vì biến chủng Covid?

Phiên giảm hôm nay thực sự sốc vì VN-Index bốc hơi 2,61% giá trị là rất mạnh. Phiên giảm kỷ lục gần nhất là -3,3% hôm 20/8/2021. Lý do duy nhất có thể “tìm thấy” hôm nay là tin biến chủng Covid 19 mới đang lan gần đến Việt Nam.

Tuy nhiên cũng khó đổ lỗi cho yếu tố thông tin. Thị trường những ngày qua đang có dòng tiền rút dần ra, thanh khoản xuống thấp. Giá cổ phiếu giằng co tăng giảm với biên độ hẹp. VN-Index luẩn quẩn trong khoảng 1480 điểm đến 1500 điểm, giao dịch sàn HoSE khớp lệnh từ 30 ngàn tỷ tụt xuống 22 ngàn tỷ. Đến hôm nay thanh khoản tăng trở lại trên 30 ngàn tỷ thì giá cổ phiếu lại giảm hàng loạt, càng cho thấy nhu cầu rút tiền ra.

Lo lắng về biến chủng Covid là có thật, nhưng đó có phải là lý do để bán tháo cổ phiếu hay không thì chưa rõ. Hiện chưa có thông tin quá xấu nào về biến chủng này và cần thời gian để kiểm chứng. Thị trường có thể lo lắng sớm và phản ứng trước, nhưng động lực để thị trường giảm phải là chiến lược phòng thủ của chính nhà đầu tư. Nếu tăng không nổi thì thị trường có thể điều chỉnh, do đó bán sớm thì sẽ chủ động chọn lựa cổ phiếu tốt hơn ở chiều giá giảm.

Mặt khác, các thông tin liên quan đến gói kích thích 2022 vẫn chưa rõ ràng. Phần lớn thông tin là bất lợi hơn cho thị trường, ví dụ giảm quy mô. Nhà đầu tư cách đây khoảng 2 tháng đã phản ứng rất lạc quan khi xuất hiện đề xuất gói kích thích khổng lồ này. Giờ là lúc đối diện với thực tế rằng có thể thông tin ban đầu là quá lạc quan và thị trường phản ứng quá sớm.

Giảm sốc nhất 3 tháng, thị trường không chỉ lo biến chủng Covid

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

30.653 tỷ đồng (+39%)

1034,5 triệu (+39%)

3.994 tỷ đồng (+30%)

153,8 triệu (+24%)

Khánh Nhi

© Thời báo Tài chính Việt Nam