Phát hành trái phiếu chính phủ:

Gắn kết với mục tiêu tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ

07:15 | 06/12/2021 Print
(TBTCO) - Bằng nhiều phương thức cải cách, hiện đại, việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển thị trường vốn và giảm áp lực trả nợ công trong ngắn hạn của ngân sách nhà nước. Kho bạc Nhà nước cho biết, thời gian tới đây, công tác huy động vốn tiếp tục được tổ chức theo phương thức đấu thầu trái phiếu chính phủ nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của công tác vay nợ chính phủ.

Nhiều cải cách linh hoạt

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 25/2016/QH14; căn cứ dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm và kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) Bộ Tài chính giao, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát hành TPCP theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, KBNN đảm bảo vừa huy động đủ nhu cầu vốn cho NSNN, vừa tái cơ cấu danh mục TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm lãi suất phát hành nhằm đảm bảo tính an toàn, bền vững, phát triển đa dạng cơ sở nhà đầu tư, giảm dần sự lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).

Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: HỒNG VÂN
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân

Cụ thể, KBNN đã tổ chức huy động vốn TPCP đều đặn theo phương thức đấu thầu trên hệ thống giao dịch TPCP của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tạo sự ổn định, minh bạch của thị trường TPCP. Cùng với đó, KBNN thực hiện phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn, các sản phẩm trái phiếu cũng như các hình thức phát hành; thực hiện tái cơ cấu danh mục TPCP bằng cách tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, theo lô lớn; thực hiện nghiệp vụ hoán đổi TPCP; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong tổ chức điều hành thị trường TPCP, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. KBNN công bố công khai kế hoạch, lịch biểu phát hành TPCP và kết quả phát hành ra thị trường; thường xuyên trao đổi, nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư; bám sát tình hình thị trường để quyết định kỳ hạn và khối lượng phát hành hợp lý.

Đáng chú ý, trong năm 2021, KBNN đã thực hiện một số mục tiêu cơ bản, đó là: Toàn bộ TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu và có kỳ hạn từ 5 năm trở lên đến 30 năm, trong đó trên 90% TPCP có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2021 là 13,51 năm. Lãi suất phát hành bình quân năm 2021 là 2,28% năm. Kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục TPCP đến cuối tháng 11/2021 là 9,12 năm.

Theo báo cáo từ KBNN, lũy kế đến hết tháng 11/2021, khối lượng TPCP huy động được là 287.993 tỷ đồng, đạt 77,2% kế hoạch. Nguồn vốn huy động thông qua phát hành TPCP cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021. Kết quả phát hành TPCP góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nợ công theo hướng giảm rủi ro trả nợ của NSNN trong ngắn hạn, tiết kiệm chi phí vay cho NSNN, phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về tái cơ cấu NSNN và quản lý nợ công theo hướng an toàn bền vững.

Tiếp tục tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên

Theo ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ - KBNN, mặc dù công tác huy động vốn TPCP tại thị trường trong nước đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác phát hành TPCP còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường trong nước và thế giới. Hơn nữa, công tác phát hành TPCP thời gian qua đã duy trì ổn định và thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường TPCP, song so với các nước trong khu vực, quy mô thị trường TPCP vẫn còn nhỏ, mức độ phát triển chưa cao cả về số lượng và mức độ chuyên nghiệp của nhà đầu tư, nên dễ bị ảnh hưởng từ những diễn biến trên thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.

Đã huy động được 287.993 tỷ đồng trái phiếu chính phủ

Theo báo cáo từ Kho bạc nhà nước, lũy kế đến hết tháng 11/2021, khối lượng trái phiếu chính phủ huy động được là 287.993 tỷ đồng, đạt 77,2% kế hoạch. Nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu chính phủ cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách trung ương năm 2021. Kết quả phát hành trái phiếu chính phủ góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nợ công theo hướng giảm rủi ro trả nợ của ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách nhà nước, phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng an toàn bền vững.

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ trọng nắm giữ TPCP của các NHTM có giảm, nhưng đây vẫn là các nhà đầu tư giao dịch chủ yếu trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Do đó, phản ứng của NHTM trước các biến động ngắn hạn của thị trường cũng tác động mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn, dẫn đến việc có thể không huy động được đủ khối lượng theo nhu cầu hoặc phải huy động với chi phí cao.

Đồng thời, trong thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN luôn có sự không khớp giữa nhu cầu và khả năng huy động vốn. Hơn nữa, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm chậm và dồn vào thời điểm cuối năm. Ngược lại, khả năng huy động vốn lại thuận lợi trong những tháng đầu năm (có thể vay với khối lượng lớn, lãi suất thấp), nhưng thường khó khăn vào thời điểm cuối năm (khối lượng có thể vay thấp, lãi suất cao).

KBNN cho biết, thời gian tới đây, công tác huy động vốn tiếp tục được tổ chức theo phương thức đấu thầu TPCP nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của công tác vay nợ chính phủ. Theo đó, KBNN sẽ tập trung vào phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên và tiếp tục phát hành theo phương thức đấu thầu.

Trường hợp thị trường không thuận lợi, huy động kỳ hạn dài khó khăn, KBNN kiến nghị Bộ Tài chính mở thêm các kỳ hạn dưới 5 năm nhưng vẫn đáp ứng mục tiêu kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt từ 9 - 11 năm, theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Đồng thời, KBNN sẽ đánh giá khả năng sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay để giảm khối lượng phát hành TPCP, nhưng vẫn đảm bảo an toàn thanh khoản của KBNN.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam