Cải cách cần được thực hiện quyết đoán và nhanh chóng

20:19 | 05/12/2021 Print
Các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất, nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam - ông Francois Painchaud đề xuất.
Đề xuất đặt hàng để tư nhân giải ngân đầu tư công Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: Phục hồi và phát triển bền vững Tháo gỡ rào cản thể chế để tăng khả năng hấp thụ của nền kinh tế Chính sách vĩ mô phải xuất phát từ hơi thở cuộc sống

Cải cách cơ cấu quyết liệt hơn

Trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra ngày 5/12, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud cho biết, kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi bất chấp các đợt dịch Covid bùng phát. Tiến trình hồi phục này là có lợi cho Việt Nam, tuy nhiên, mức độ phục hồi của các nước phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng.

Về phản ứng chính sách tài khóa, ông Francois Painchaud cho rằng, quy mô các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển có thể không áp dụng được ở các quốc gia đang phát triển bao gồm Việt Nam.

Các hỗ trợ chính sách cần được tinh chỉnh dựa trên tình hình phát triển kinh tế cũng như diễn tiến dịch bệnh ở từng nước.

Các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần đi kèm với các hỗ trợ về mặt chính sách cần thiết, kịp thời cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chúng ta hướng tới việc mở cửa trở lại.

Đặc biệt ở Việt Nam, khi tiến trình hồi phục đang được triển khai hiệu quả, cần tập trung vào tăng trưởng bền vững, tạo sức chống chịu cao.

IMF
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

Trong năm 2021, Việt Nam đối mặt với đợt dịch bùng phát lớn hơn và dai dẳng hơn, khiến nền kinh tế gián đoạn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức.

Đại diện IMF khuyến nghị Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; áp dụng biện pháp chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, ông Francois Painchaud nhấn mạnh đòi hỏi phải có những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn, sự phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa.

Lựa chọn các chương trình đầu tư công tốt

Phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch cũng là chủ đề ông Patrick Lenain - Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo ông Patrick Lenain, nhờ chính sách học cách sống chung an toàn với dịch bệnh mới này, các hoạt động kinh tế xã hội hiện đang dần được nối lại. Nhưng điều này không đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh trong tương lai. Biến thể mới Omicron là một nguy cơ mới đe đọa triển vọng tăng trưởng kinh tế và sẽ mất nhiều thời gian để các hoạt động du lịch, lữ hành và khách sạn, trở lại bình thường.

Vì vậy, chuyên gia của OECD đề xuất ba ưu tiên để phục hồi kinh tế.

Thứ nhất, là phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao, càng sớm càng tốt, bao gồm cả việc triển khai tiêm mũi nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19.

Thứ hai, các giải pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô cần phải mạnh mẽ và nhanh chóng. So với các nền kinh tế phát triển, việc triển khai các gói hỗ trợ chính sách còn ít và bị trì hoãn ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Điều này dẫn đến sự phục hồi kinh tế thất bại, có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng dài hạn.

Thứ ba, chi tiêu công nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với việc nợ nhiều hơn, vì vậy cần lựa chọn các chương trình chi tiêu tốt, hướng đến đầu tư cho tương lai. Ví dụ, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng số, để tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với các công nghệ như thương mại điện tử, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Ông Patrick Lenain lưu ý, trong đầu tư công cũng phải tính tới vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải carbon. Đầu tư vào giáo dục và phát triển kỹ năng cũng là điều cần thiết. Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ khó khăn hơn, vì vậy, Việt Nam sẽ cần phải tăng cường khả năng cạnh tranh và sự hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

OECD
Ông Patrick Lenain - Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Đầu tư công vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong hai năm tới

Đưa ra một số đề xuất về triển khai gói chính sách tài khóa, ông Nguyễn Minh Cường- Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3 - 5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025.

Các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cũng không kém phần quan trọng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn chuyển tiếp hướng tới phục hồi. Điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn, đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.

Trong đó, ông cũng nhấn mạnh đầu tư công sẽ tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững sẽ hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19. Vì vậy, cần tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công như một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 - 2023 để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh việc chú trọng ưu tiên đẩy mạnh giải ngân các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, có sức lan tỏa lớn đang trong quá trình thực hiện, có thể đẩy mạnh thực hiện các công trình tại địa phương, trùng tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng sẵn có như kinh nghiệm của một số nước khác trong khu vực.

Đề cập đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người là 4.700 - 5.000 USD vào năm 2025, Trưởng đại diện IMF Francois Painchaud tin rằng mục tiêu này là có thể đạt được song “khát vọng này của Việt Nam đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn”.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam