Phạt Chứng khoán VIS vì cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ "chui"

20:07 | 05/12/2021 Print
(TBTCO) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định xử phạt 250 triệu đồng đối với Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS). Nguyên nhân bị phạt là do công ty này thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhưng chưa được cơ quan quản lý cấp phép.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 819/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS; có địa chỉ tại tầng 3, 59 Quang Trung, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).

Phạt Chứng khoán VIS vì cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
VIS bị phạt 250 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhưng chưa được cơ quan quản lý cấp phép nghiệp vụ.

Theo đó, VIS bị phạt tiền 250 triệu đồng căn cứ quy định tại điểm a khoản 5 Điều 24 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân VIS bị phạt do thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp giấy phép. Cụ thể, trong năm 2021, VIS đã cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được UBCKNN cấp phép nghiệp vụ bảo lãnh phát hành.

Cũng liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, mới đây, UBCKNN cũng đã có quyết định xử phạt 600 triệu đồng đối với Công ty CP Tập đoàn VSETGROUP. Nguyên nhân Công ty này bị phạt do có hành vi vi phạm hành chính là: Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.

Bên cạnh đó, công ty này còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm.

Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, quy định tại điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Ngày 3/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu UBCKNN, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở GDCK Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư./.

Duy Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam