Các công ty lớn của phương Tây đang đổ tiền vào Nga

11:12 | 24/11/2016 Print
Các nhà bán lẻ lớn như hãng Ikea của Thụy Điển và Leroy Merlin của Pháp đã bắt đầu bơm hàng tỷ USD đầu tư vào cửa hàng và nhà máy mới, khi người tiêu dùng Nga bắt đầu bước ra từ kỳ ngủ đông kéo dài 2 năm kể từ khi bị áp đặt lệnh trừng phạt của phương Tây.

dau tu vao nga

Vượt qua khủng hoảng từ lệnh trừng phạt của phương Tây, giá dầu giảm, sự sụt giảm đồng Rúp, Ikea đang mở rộng hệ thống cửa hàng tại Nga. Ảnh nguồn: Russia Insider.

Kinh tế Nga sẽ sớm phục hồi

Ngay từ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đã có những hy vọng dấy lên về mối quan hệ được cải thiện với Kremlin, nhiều công ty lớn của phương Tây đang đặt cược rằng nền kinh tế Nga sẽ sớm thoát ra khỏi đóng băng lâu ngày.

Ikea đã chi 1,6 tỷ USD vào việc mở thêm các cửa hàng mới trong năm năm tới. Leroy Merlin trong tháng Chín đã tuyên bố kế hoạch 2 tỷ Euro nhằm tăng hơn gấp đôi số đại lý ở Nga trong cùng thời gian. Pfizer đang xây dựng một nhà máy chế biến thuốc mới, trong khi hãng Mars đang mở rộng xưởng sản suất kẹo cao su và thức ăn vật nuôi.

“Đây là thời điểm để đầu tư”, ông Walter Kadnar, giám đốc Ikea Nga nhận định. Lần cuối hãng này mở một cửa hàng mới ở Nga là cách đây năm năm, nhưng mùa thu này đã mở một nhà máy đồ nội thất trị giá 60 triệu USD gần St. Petersburg và mua một mảnh đất để phát triển một trung tâm thương mại cỡ lớn thứ ba ở gần thành phố. “Tôi rất tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Nga trong dài hạn.”

Đầu tư nước ngoài đồng loạt chững lại khi đất nước chìm vào suy thoái kinh tế và xung đột với phương Tây trong hai năm qua. Nhiều công ty, bao gồm General Motors, cắt giảm các hoạt động ở đây. Đối với những người còn ở lại, bây giờ là thời gian để mở hầu bao để có được một bước nhảy trong cạnh tranh. Sự giảm giá trị sâu của đồng Rúp, mặc dù đã gây thiệt hại giá trị của thu nhập từ địa phương tính bằng USD và Euro, đã khiến chi phí sản xuất tại Nga giảm mạnh. Theo một số ước tính, bây giờ nó thậm chí còn thấp hơn so với ở Trung Quốc.

“2-3 năm qua là một thảm họa”, ông Frank Schauff, người đứng đầu Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Moscow cho biết. “Bây giờ, tình hình đã thay đổi khi tỷ giá đồng Rúp đã ổn định và nền kinh tế Nga được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại sớm”.

Vốn FDI vào Nga đạt 8,3 tỷ USD trong 9 tháng

Chính phủ cho biết cuộc họp thường niên với các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng Chín đã thu hút số lượng các nhà điều hành công ty nhiều nhất trong vòng một thập kỷ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên 8,3 tỷ USD trong chín tháng đầu năm nay, nhiều hơn 5,9 tỷ USD của cả năm 2015, theo số liệu của Ngân hàng trung ương.

Con số này vẫn thấp hơn nhiều so mức trước cuộc khủng hoảng Ukraina, khi cùng với lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, và sự sụt giảm của giá dầu và đồng Rúp đã khiến nhiều công ty lớn cân nhắc lại về việc đầu tư.

Tuy nhiên, sự gia tăng đầu tư nước ngoài vẫn rất khiêm tốn đối nền kinh tế đang trong tình trạng khát vốn. Nhìn chung, các doanh nghiệp ở Nga vẫn do dự về việc mở rộng, với số vốn đầu tư giảm 2,3% trong chín tháng đầu năm nay. Chính phủ dự kiến sẽ chỉ có một sự hồi phục nhẹ với mức tăng trưởng 0,8% trong năm tới.

Tầng lớp trung lưu - thị trường mục tiêu lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài - đã giảm 14 triệu người trong vòng hai năm qua, theo Sberbank CIB, một ngân hàng đầu tư địa phương.

Ông Alexis Rodzianko, Chủ tịch phòng Thương mại Mỹ tại Nga, cho biết những căng thẳng địa chính trị đã là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.

Cuộc bầu cử thắng lợi của Donald Trump, người đã ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin và đặt câu hỏi về lệnh trừng phạt trong chiến dịch tranh cử, có thể thay đổi điều đó. “Trump có một tư tưởng cởi mở hơn về mối quan hệ Mỹ - Nga”, ông Rodzianko nói. “Rõ ràng đã có chỗ cho cải thiện quan hệ và nó khiến nhà đầu tư hy vọng.”

“Chúng tôi đang nhìn thấy dấu hiệu cải thiện”, giám đốc điều hành của PepsiCo, ông Indra Nooyi cho biết trong tháng Chín. Ngay cả sau khi sụt giảm đồng Rúp, Nga vẫn là thị trường lớn thứ ba của công ty sau khi Mỹ và Mexico. Trong tháng này, công ty đã công bố kế hoạch về một nhà máy thức ăn cho trẻ sơ sinh mới trị giá 40 triệu USD ở miền nam nước Nga.

Ford Motor cho biết trong tháng này hãng thấy dấu hiệu của sự phục hồi trong doanh số bán xe, mà đã từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái.

Hãng bán lẻ tự phục vụ của Pháp, Leroy Merlin cho biết doanh số bán hàng tại một cửa hàng đã tăng 5% tính bằng đồng Rúp khi người Nga đang chuyển sang tiêu dùng sản phẩm giá thấp của họ.

Tất nhiên, tình trạng quan liêu “huyền thoại” vẫn còn là một vấn đề đối với nhiều nhà đầu tư. Mặc dù Nga đã có thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng quốc tế về thuận lợi kinh doanh.

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc xung đột với chính quyền địa phương và các vụ bê bối tham nhũng, Ikea đã đe dọa ít nhất hai lần kể từ khi đến Nga sẽ đình chỉ tất cả các khoản đầu tư. Tháng trước, công ty phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự về yêu cầu bồi thường thuế trong năm năm, nhưng công ty cho biết đã thanh toán đầy đủ.

“Nó làm chậm và phân tâm chúng tôi”, ông Milen Gentchev, người đứng đầu đơn vị mua sắm trung tâm của Ikea tại Nga cho biết. “Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến niềm tin của chúng tôi rằng Nga là một thị trường chúng tôi phải phát triển"./.

Ngọc Trang (theo Bloomberg)

Ngọc Trang (theo Bloomberg)

© Thời báo Tài chính Việt Nam