Liên tục giảm gánh nặng thủ tục hải quan trong thông quan hàng hóa

07:20 | 08/12/2021 Print
(TBTCO) - Từ trước đến nay, ngành Hải quan luôn chủ động lắng nghe, chia sẻ những vất vả của doanh nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc. Điều này càng được tăng cường hơn trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối thoại nhỏ, đối thoại lớn, đối thoại thường niên và cả những giải đáp cụ thể đều được các đơn vị hải quan nhiệt tình thực hiện.

Tạo điều kiện thông quan hàng nhanh nhất

Theo ông Kim Long Biên – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, để quá trình trao đổi thông tin giữa hải quan với doanh nghiệp (DN) được diễn ra thuận lợi, thông qua nhiều kênh khác nhau, cơ quan hải quan luôn đổi mới toàn diện phương thức quản lý và chính sách thuế xuất nhập khẩu, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế, theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các điều ước quốc tế và Hiệp định thương mại tự do, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các luật khác có liên quan. Trong đó, ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-TCHQ ngày 9/1/2021 về Kế hoạch triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – DN và các bên có liên quan năm 2021.

Kết quả triển khai kế hoạch này được thể hiện bằng việc Tổng cục Hải quan đã tích cực đẩy mạnh công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật hải quan. Từ đầu năm 2020 đến nay, tham mưu chủ trì xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật hải quan (6 nghị định, 2 quyết định và 10 thông tư). Nổi bật có Nghị định 67/2020/NĐ-CP để cắt giảm 19/29 điều kiện kinh doanh lĩnh vực hải quan; Nghị định 18/2021/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Thông tư 47/2020/TT-BTC quy định thời hạn, hình thức nộp C/O đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn dịch Covid-19; triển khai 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành trên Cơ chế một cửa quốc gia; thực hiện trao đổi C/O bản điện tử mẫu D với 9 nước ASEAN.

Nguồn: Tổng cục Hải quan							                     Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Tổng cục Hải quan cũng ký kết thu thuế điện tử với 44 ngân hàng; triển khai 94 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 91%. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung được 29/38 văn bản theo kế hoạch, ban hành 48/60 danh mục hàng hóa kèm mã số HS theo kế hoạch và hoàn thành việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho 22/22 nhóm hàng…

Đặc biệt, ngay ở thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, các cục hải quan tỉnh, thành phố tại đây đã nỗ lực hết sức để tạo điều kiện nhanh nhất cho những chuyến hàng của DN được thông quan an toàn. Có thể kể đến như Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… đã đảm bảo xuyên suốt hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội. Các đơn vị hải quan này đã triển khai nhiều ứng dụng quản lý hiện đại, chương trình hỗ trợ DN, nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả...

Tôn trọng nguyên tắc minh bạch, công khai và thống nhất

Mặc dù có nhiều nỗ lực song, trên thực tế, thủ tục hải quan đa dạng với nhiều loại hình chắc hẳn không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh có thể ảnh hưởng đến thời gian thông quan của DN. Nhưng các vấn đề vướng mắc này đều được giải quyết theo nguyên tắc minh bạch, công khai và thống nhất cùng cách hiểu.

Trước bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Hải quan đã và đang áp dụng tối đa các biện pháp quản lý rủi ro về hải quan, qua đó, giảm gánh nặng về thủ tục hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu của DN. Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu duy trì các giải pháp đảm bảo thông quan hàng hoá; nâng cao hiệu quả các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế; kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành khi giải quyết thủ tục hành chính.

Cũng theo ông Biên, Tổng cục Hải quan cũng tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh. Cùng với đó là đơn giản hoá hồ sơ hải quan, bãi bỏ các chứng từ không cần thiết, đơn giản hoá các khâu nghiệp vụ; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương duy trì các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tránh ách tắc hàng hoá, đảm bảo thông quan hàng hoá được thông suốt.

Đặc biệt, trước, trong và sau mỗi hội nghị đối thoại với cộng đồng DN được Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hàng năm, cơ quan hải quan phổ biến các văn bản chính sách mới để DN hiểu rõ và thực hiện đúng; từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng DN và phối hợp tốt với cơ quan hải quan trong việc thực thi pháp luật chống buôn lậu gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Không chỉ vậy, cũng qua hoạt động này, cơ quan hải quan sẽ kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu và đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận hơn nữa cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mong muốn doanh nghiệp chủ động hơn nữa phản hồi những khó khăn, vướng mắc

Cơ quan Hải quan luôn mong muốn doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật. Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật. Từ đó giải quyết kịp thời các vướng mắc và kiến nghị cấp trên giải quyết các vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền được phân cấp. - Ông Kim Long Biên - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam