Giữ vững mối liên kết, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam

17:50 | 08/12/2021 Print
(TBTCO) - Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những hoạt động triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP bước đầu mang lại hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị "Giữ vững mối liên kết, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, diễn ra ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

"Chúng ta đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Giữ vững mối liên kết, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Hướng tới phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, trong đó nhấn mạnh đến khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nhờ chỉ đạo kịp thời, linh hoạt của Nghị quyết 128/NQ-CP, hoạt động kinh tế của nhiều tỉnh, thành phố lớn đã dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2021 tiếp tục khởi sắc, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bền bỉ, liên tục trong hơn 11 năm qua là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ và làm tăng cường thêm các mối liên kết.

Theo đó, Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành khác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...) đã tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng thông qua nhiều hình thức như trực tuyến, ứng dụng môi trường số.

Bà Lê Việt Nga cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Theo đó, ngành công thương sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Không chủ quan với kết quà đạt được, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương đánh giá, dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cung ứng hàng hóa do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần phối hợp hiệu quả với các cơ quan nhà nước tại địa phương để tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh.

Doanh nghiệp cũng cần kịp thời phản ánh, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các hướng dẫn, quy định của địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.

Để trợ lực cho hoạt động thương mại, ông Ngô Khải Hoàn cho biết thêm, ngành Công thương cũng đã thành lập các tổ công tác đặc biệt về bảo đảm nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các địa phương. Đồng thời, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, năng lượng phục vụ sản xuất, duy trì hoạt động đối với các dự án sản xuất công nghiệp lớn, quan trọng, góp phần bảo đảm “mục tiêu kép” theo chủ trương của Chính phủ./.

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam