Gelex (GEX): Chùn bước sau cú “bốc đầu” và chuyện vừa mua vừa bán trái phiếu

10:47 | 09/12/2021 Print
(TBTCO) - Cổ phiếu GEX của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (sàn HOSE) đang có tín hiệu chùn bước sau giai đoạn tăng giá “dựng đứng”. Thời điểm này có thể cũng là lúc các nhà đầu bình tâm lại để nhìn sâu vào bức tranh tài chính của doanh nghiệp với những khoản vay và cho vay trái phiếu khổng lồ.

Cú "bốc đầu" ngoạn mục của GEX

Giai đoạn từ đầu tháng 10/2021 đến nay có thể coi là thời kỳ thử thách cảm xúc mạnh mẽ nhất đối với cổ đông và các nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex.

Thị giá cổ phiếu này vào ngày 1/10/2021 chỉ ở mức 22.400 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng dựng đứng và cán đỉnh 46.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/11/2021, theo đó tỷ suất tăng giá đạt gấp hơn 2 lần chỉ trong chưa đầy 2 tháng. Sau một giai đoạn cầm cự, giằng co, quả bóng đã có trạng thái “xì hơi” mạnh từ giai đoạn khoảng đầu tháng 12 đến nay.

CII chuyển đổi trái phiếu nhưng nợ vẫn cao, đang vay tiền 6 ngân hàng Gelex chốt danh sách chia cổ tức bằng cổ phiếu GEX thông qua phương án phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu trả cổ tức
Gelex (GEX): Chùn bước sau cú “bốc đầu” và chuyện vừa mua vừa bán trái phiếu
Cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex đã chùn bước sau cú “bốc đầu”

Diễn biến 2 tháng qua của cổ phiếu GEX có thể coi là giai đoạn nhiều kịch tính nhất, bởi trong suốt mấy năm vừa qua, thị giá cổ phiếu này không có nhiều biến động. Từ đầu năm 2018 cho đến giữa năm 2021, cổ phiếu này vẫn loanh quanh trong biên độ khoảng từ 15.000 đồng/cổ phiếu đến dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.

Bắt đầu từ tháng 6/2021, cổ phiếu GEX mới đi vào xu hướng tăng, nhưng nhịp độ tăng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10 cũng chỉ ở mức vừa phải và chỉ “nóng” lên bắt đầu tư đầu tháng 10 như đề cập ở trên.

Sức hút của cổ phiếu GEX có được phần nào nhờ sự tăng tốc về lợi nhuận của doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, kết quả lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất của Gelex 6 tháng đầu năm 2021 đạt tới 818,6 tỷ đồng, tăng trưởng tới 94% so với kết quả cùng kỳ năm trước.

Theo giải thích của doanh nghiệp này, lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 có được chủ yếu nhờ công ty sở hữu chi phối tại Tổng công ty Vigracera từ quý II/2021. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của khối thiết bị điện cũng đạt lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ, đóng góp làm tăng lợi nhuận gộp thêm gần 680 tỷ đồng.

Đà tăng lợi nhuận của Gelex cũng vấn tiếp tục tiếp nối trong quý III/2021 với kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III đạt 343 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Vigracera tiếp tục là nhân tố chính đóng góp cho sự tăng trưởng lợi nhuận trong quý III do việc sở hữu Viglacera giúp cho lợi nhuận gộp của Gelex tăng thêm 277 tỷ đồng.

Những khoản mua bán trái phiếu khủng

Các con số lợi nhuận tăng trưởng cao thời gian qua tuy là tín hiệu tích cực, nhưng những khoản vay và cho vay lớn đang tồn tại chưa thể đo lường rõ ràng mức độ rủi ro cũng đang là những điểm lưu tâm trong bức tranh tài chính của Gelex. Trong đó, một vấn đề khác là nợ khó đòi từ các khoản phải thu cũng đang tăng mạnh.

Lần theo mạch chảy của dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm với con số khủng với 6.339 tỷ đồng. Dòng tiền âm trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ 2 lý do, một là việc công ty đã thực hiện gia tăng mạnh hàng tồn kho trong giai đoạn này và thứ hai là gia tăng chứng khoán kinh doanh.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, GEX đã gia tăng hàng tồn kho rất mạnh từ mức chỉ 3.236 tỷ đồng hồi đầu năm lên 11.455 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021 (tăng trưởng 254%).

Trong khi đó, giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng chứng khoán kinh doanh của Gelex đã tăng đột biến từ 1.617 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.293 tỷ đồng vào cuối tháng 9 (tăng 227%).

Phần lớn số tiền này được công ty đầu tư trái phiếu với giá trị trái phiếu lên tới 4.860 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có 413 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu, phải trích lập dự phòng gần 3,4 tỷ đồng đối với khoản đầu tư này. Trong báo cáo tài chính quý III/2021, Gelex cũng không dẫn giải phần đầu tư trái phiếu và cổ phiếu cụ thể là những loại gì, thời hạn, lãi suất trái phiếu ra sao, là trái phiếu doanh nghiệp nào và có tài sản đảm bảo hay không… cũng không được thể hiện rõ.

Việc doanh nghiệp để tiền nhiều trong trái phiếu một phần có thể lý giải công ty tạm thời có một phần tiền nhàn rỗi chưa đưa vào đầu tư. Tuy nhiên, việc các thông tin về trái phiếu không được thể hiện rõ khiến nhà đầu khó đánh giá được về mức độ rủi ro tài chính liên quan đến đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, GEX một mặt đầu tư mua khá nhiều trái phiếu, mặt khác công ty cũng là nhà phát hành trái phiếu lớn với dư nợ vay trái phiếu của doanh nghiệp này lên tới 5.366 tỷ đồng vào cuối tháng 9, chưa kể 936 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán.

Ngoài ra, bức tranh nợ nần của doanh nghiệp này còn điểm đáng chú ý nữa là việc gia tăng các khoản phải thu và đồng thời các khoản phải thu khó đòi cũng đang tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm.

Giá trị các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng từ 6.261 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 7.611 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 9 (tăng khoảng 21,6%). Rủi ro thu nợ nằm ở chỗ các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đang tăng nhanh hơn khá nhiều so với giá trị các khoản phải thu, từ mức 231 tỷ đồng đầu năm, lên 506 tỷ đồng vào cuối tháng 9 (mức tăng lên tới 119%).

Tiền mua trái phiếu, nhưng vẫn gia tăng vay nợ

Mặc dù để một khối lượng tiền rất lớn trong trái phiếu, nhưng Gelex cũng vẫn tiếp tục gia tăng vay nợ trong 9 tháng đầu năm 2021.

Quy mô nợ phải trả đã tăng từ 18.937 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên mức 34.658 tỷ đồng vào cuối tháng 9 (tăng 83%). Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trong 9 tháng đã tăng từ 4.329 tỷ đồng lên 9.314 tỷ đồng (tăng 115%); vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 7.752 tỷ đồng lên 10.176 tỷ đồng (tăng khoảng 31,3%).

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam