Ngành Tài chính:

Đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

11:38 | 10/12/2021 Print
(TBTCO) - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 8/12, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định, trong thời gian qua, ngành Thuế cũng như ngành Hải quan đã liên tục cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tư duy và phong cách làm việc theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp đánh giá tích cực

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính đã luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, trong đó các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất tiếp tục được cộng đồng DN hưởng ứng, đánh giá rất tích cực.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, ngay từ đầu năm 2021, nhận định DN và người dân tiếp tục chịu những khó khăn bởi dịch bệnh, Bộ Tài chính đã trình các cấp thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp. Đáng chú ý, trong 4 giải pháp mới được ban hành, có 3 giải pháp miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng từ khi dịch bệnh xảy ra.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử với các dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

Nguồn: Bộ Tài chính    	     								   Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

“Đặc biệt, việc chính thức đưa vào áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 địa phương và thực hiện tại 57 địa phương còn lại trong năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và tiết kiệm chi phí cho DN và cho xã hội” - lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực hải quan, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN được tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN.

Điều này sẽ đảm bảo vận hành hệ thống thông quan tự động và các hệ thống công nghệ thông tin, tập trung an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt; qua đó góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại, đơn giản, thuận lợi giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, DN.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều biện pháp được triển khai để thông quan nhanh hàng hóa, xử lý hàng hóa bị ùn ứ tại các cửa khẩu, đảm bảo an toàn lực lượng và hoạt động thông quan được thông suốt” - Thứ trưởng nói.

Không để doanh nghiệp phải chờ lâu

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội DN và DN đã nêu những kiến nghị, vướng mắc liên quan tới chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị liên quan phải trả lời rõ những kiến nghị, vướng mắc cho các DN được biết để kết luận rõ ràng, không để DN phải chờ lâu.

Một DN kiến nghị việc nhập khẩu giấy cách điện, cách nhiệt để sản xuất máy biến áp, trước nay vẫn áp dụng mã HS với thuế suất nhập khẩu là 5% cho loại giấy này, tuy nhiên đoàn kiểm tra sau thông quan xác định là loại giấy Crap nên yêu cầu phải áp dụng theo mã khác với thuế suất nhập khẩu 15%, do đó phải truy thu thêm.

Trả lời, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã nhận được báo cáo liên quan đến việc này và sẽ kiểm tra lại toàn bộ sự việc để có câu trả lời cho DN.

Bên cạnh đó, đại diện DN này cũng bày tỏ sự lo lắng liên quan tới các khoản phí của hãng tàu hiện nay rất lớn do hàng xuất lớn hơn hàng nhập, các hãng tàu tính phí vận chuyển container rỗng đi. Điều này rất vô lý bởi không có đơn vị nào xác minh được rõ tàu chở container hàng hay container rỗng.

Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đồng tình và sẽ đấu tranh cùng DN liên quan tới việc này. “Có thể nói, khoản phí này của các DN Việt Nam đang bị chiếm đoạt một cách ngang nhiên” - ông Thành khẳng định.

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN. Với kiến nghị về việc bị truy thu 15% thuế nhập khẩu giấy cách điện do thay đổi mã HS, Thứ trưởng yêu cầu 2 tổng cục phải có câu trả lời và báo cáo Bộ Tài chính trong tháng 12 này.

Liên quan lĩnh vực thuế, một DN bày tỏ sự khó khăn, vướng mắc về thực hiện quy định nộp 75% thuế TNDN và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm, trước thời điểm trước ngày 31/10 hàng năm.

Giải đáp, ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Tổng cục Thuế cũng đã nhận được những kiến nghị tương tự. Hiện tại, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN như giãn nợ thuế, tạm thời chưa quy định xử phạt trong trường hợp tạm nộp thấp hơn 75%. “Thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ có đề xuất Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định này” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói.

Phối hợp tham mưu, xây dựng và thực hiện giải pháp hỗ trợ tiếp theo

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường, gây khó khăn cho việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và điều kiện thực tế, tổng kết đánh giá hiệu quả chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp để hỗ trợ phù hợp; đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình cấp có cấp thẩm quyền về việc phục hồi phát triển kinh tế, xem xét quyết định, tạo cơ sở triển khai, xây dựng và thực hiện giải pháp hỗ trợ tiếp theo.

“Để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế, về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế và hải quan, Bộ Tài chính mong nhận được các phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp” - Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị.

Đông Mai

© Thời báo Tài chính Việt Nam