Gieo hạt trách nhiệm, gặt mùa tình thân

09:06 | 15/12/2021 Print
(TBTCO) - Ngày 14/12/2021, lần đầu tiên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc. Hai năm gian nan trong đại dịch Covid-19 càng thấm thía giá trị của những cái bắt tay. Thế giới ghi nhận một Việt Nam trách nhiệm rất cao và Việt Nam nhận lại tình thân từ bạn bè quốc tế.

Đoạn trường vắc-xin

Sáng 24/2/2021, cả nước náo nức trước thông tin chuyến bay mang hơn 117 nghìn liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.Hồ Chí Minh. Đây cũng là lô vắc-xin đầu tiên về Việt Nam. Nhưng kể từ đó, các thông tin “cập cảng” như vậy là rất hiếm hoi, số vắc-xin về tới Việt Nam càng lúc càng phải đếm từng liều một cách đặc biệt nâng niu.

Gieo hạt trách nhiệm, gặt mùa tình thân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, ngày 14/12/2021.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ trước Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm về “đoạn trường” vắc-xin. Theo đó, từ rất sớm, khoảng tháng 9/2020, Việt Nam đã tiến hành các hợp đồng và qua các cam kết đã có các thỏa thuận cung ứng lên tới gần 200 triệu liệu vắc-xin sẽ về Việt Nam. Tháng 11/2020, Việt Nam có thỏa thuận đầu tiên đối với AstraZeneca để cung ứng 30 triệu liều vắc-xin. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như tình trạng khan hiếm vắc-xin trên quy mô toàn cầu, một số nước phát triển đã gom một số lượng rất lớn để tích trữ, có nước đặt hàng tới gấp 4 lần nhu cầu sử dụng.

Gieo hạt trách nhiệm, gặt mùa tình thân
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khai mạc vào sáng 14/12.

Trong khi đó, việc mua vắc-xin của Việt Nam gặp nhiều “vấn đề”, muốn mua phải vượt qua rất nhiều rào cản về mặt pháp luật như phải chấp nhận tất cả những điều kiện của bên bán mà không có điều kiện về mặt thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức tới hơn 200 các cuộc thảo luận, thương thuyết đối với các hãng nhưng hầu như tất cả các điều kiện được các công ty đưa ra Việt Nam không thay đổi được bởi bị áp dụng chung cho quy mô toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ những rủi ro về giao hàng chậm, rủi ro về giá cả mua, không được trả lại trong trường hợp vắc-xin không đảm bảo chất lượng…

Kết quả là khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào đầu tháng 5 và bắt đầu hoành hành dữ dội vào tháng 7 tại các tỉnh phía Nam thì số liều vắc-xin về Việt Nam vẫn chỉ rất nhỏ giọt và tất cả đều phải trông chờ ở con đường ngoại giao. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã mở ra một chiến dịch ngoại giao chưa từng có tiền lệ. Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới tối 6/7/2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay là bảo vệ hạnh phúc nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, hay Hội nghị tương lai châu Á, Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G)… Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế chung tay sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vắc-xin. Là một trong số ít các nước đang phát triển đóng góp tài chính cho Chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã rất khẩn trương, nhiệt tình gửi đến 500.000 USD tới Chương trình này, được thế giới đánh giá cao.

Vì đó là bạn

Kể từ tháng 7/2021, số liều vắc-xin về Việt Nam được tính bằng con số hàng triệu và tăng ở mức độ cấp số nhân theo từng tháng. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, tháng 7 nhận được khoảng 8 triệu liều vắc-xin; tháng 8 số vắc-xin về tới Việt Nam tăng gấp đôi tháng 7, với hơn 16 triệu liều, gấp đôi số lượng vắc-xin về trong tháng 7; tháng 9 là hơn 20 triệu liều, gần gấp 3 lượng vắc-xin về trong tháng 7. Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vắc-xin và nhiều trang thiết bị y tế.

Cây tre Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là một Hội nghị "mang tính lịch sử". Ông cũng dẫn ra hình ảnh cây tre Việt Nam “thân gầy guộc lá mỏng manh/mà sao nên lũy nên thành tre ơi” để khái quát về trường phái ngoại giao độc đáo của Việt Nam.

Đó là mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, tận tâm, trách nhiệm đúng như tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Theo Tổng Bí thư, sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu rất cao trong thời kì mới, đòi hỏi phải phát huy cao độ nội lực, kết hợp với ngoại lực, quyết tâm tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Ở bên kia bán cầu cách xa hàng vạn dặm, nước Mỹ là quốc gia tài trợ nhiều nhất vắc-xin cho Việt Nam. Số lượng vắc-xin Mỹ viện trợ cho Việt Nam tới nay là 24,5 triệu liều (bằng 1/3 tổng viện trợ tại Đông Nam Á). Chính quyền Mỹ còn trợ giúp Việt Nam số tiền khá lớn, khoảng 40 triệu USD trong cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo kỹ năng phòng, chống dịch cho lực lượng y tế. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc kể: “mỗi lần phía Mỹ tặng chúng ta vắc-xin cũng đều nói “là bạn thực sự chính là người giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn” và nhắc lại việc tháng 4/2020, Việt Nam trợ giúp Mỹ thiết bị và vật phẩm y tế, thì giờ tới lượt Mỹ trợ giúp Việt Nam về vắc-xin”.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU Nguyễn Văn Thảo cũng chỉ ra nguyên nhân thành công của ngoại giao vắc-xin. Đó là: Việt Nam có hệ thống bạn bè rất tình nghĩa, gắn kết chặt chẽ lợi ích. Còn trong buổi lễ bàn giao 501.600 liều vắc-xin Ba Lan tặng Việt Nam ngày 23/8/2021, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel bày tỏ: "Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của bạn bè Việt Nam trong lúc khó khăn, thì bây giờ cũng là lúc chúng tôi đền đáp điều đó”.

Trong thông báo tặng hơn 800.000 liều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam, Bộ Ngoại giao Italy cũng nhấn mạnh số vắc-xin này nhằm thể hiện lòng biết ơn nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ, chia sẻ với nhân dân Italy khi dịch bùng phát mạnh vào đầu năm ngoái. Hay tại Czech, dù không sản xuất vắc-xin Covid-19 và là nước nhập khẩu vắc-xin, dù không biết có đủ vắc-xin cho chính họ hay hay không nhưng Czech vẫn tặng Việt Nam 250.000 liều vắc-xin…

Gieo hạt trách nhiệm, dù trong hoàn cảnh nào Việt Nam cũng thể hiện trách nhiệm rất cao trước cộng đồng quốc tế, như trong đại dịch, dù còn rất nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đã viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế. Và như những tháng vừa qua, vụ mùa gặt được từ “cánh đồng” trách nhiệm không chỉ là vắc-xin, mà đó chính là tình thân.

Phá vòng vây, nối vòng tay lớn

Việt Nam, từ thế bị cấm vận đã phá vòng vây, nối vòng tay lớn khi đến nay có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu và 17/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới… Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, trở thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có liên kết kinh tế sâu rộng, là một trong những nước đi đầu của khu vực trong hợp tác kinh tế đa phương, có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, là thành viên của hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, đến nay, đã là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do…

Đoàn Trần

© Thời báo Tài chính Việt Nam