Liên thông các ứng dụng nghiệp vụ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho công chức kho bạc

20:26 | 19/12/2021 Print
Bắt đầu từ ngày 15/11/2021, Kho bạc Nhà nước thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ. Sau hơn 1 tháng triển khai, việc liên thông đã mang lại kết quả tốt khi đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay.

Tiết kiệm thời gian và công sức

Đánh giá về kết quả sau hơn 1 tháng thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) - Thanh toán song phương điện tử), ông Lê Hoài Thanh- Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hoà Bình cho biết, nếu như trước đây, với mỗi hồ sơ chứng từ, công chức kế toán của kho bạc phải thực hiện nhập số liệu thủ công từ hệ thống dịch vụ công trực tuyến sang Tabmis thì nay với việc liên thông 3 hệ thống này, kế toán không phải thực hiện các thao tác này nữa.

Liên thông các ứng dụng nghiệp vụ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho công chức kho bạc
Liên thông các ứng dụng nghiệp vụ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho công chức kho bạc. Ảnh: KBNN Hà Giang

Theo đó, đối với các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên Dịch vụ công trực tuyến để đi thanh toán song phương với ngân hàng thương mại (NHTM), sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt trên chương trình Dịch vụ công trực tuyến, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện Tabmis, thanh toán song phương điện tử và tự động chuyển sang NHTM mà không cần phải có bất kỳ một xử lý thủ công nào như trước đây.

“Việc này đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho công chức kho bạc. Bên cạnh đó, việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ cũng giúp tránh được các sai sót về con số khi nhập số liệu thủ công. Đồng thời bảo đảm cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất, tránh các rủi ro xảy ra”- ông Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Cương- Giám đốc KBNN Vĩnh Phúc cũng cho biết, thực hiện liên thông 3 ứng dụng nghiệp vụ, công chức kho bạc có thêm giời gian để xử lý các nghiệp vụ khác cũng như dành thời gian để học hỏi, nghiên cứu thêm về nghiệp vụ, nhất là thời điểm cuối năm khi lượng hồ sơ chứng từ tăng lên đột biến, không lo bị quá tải như trước đây.

Có thể thấy, việc triển khai diện rộng quy trình liên thông dịch vụ các ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến - Tabmis – Thanh toán song phương điện tử đã giúp các đơn vị KBNN phục vụ nhanh người dân và các đơn vị sử dụng ngân sách; đồng thời cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN giúp các nhà lãnh đạo có đủ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong việc phát triển kinh tế- xã hội.

Tăng hiệu quả của các ứng dụng, hướng tới kho bạc số

Với trục xoay là Tabmis, hiện hệ thống KBNN đang duy trì 4 hệ thống công nghệ thông tin về quản lý ngân sách.

Cụ thể, Hệ thống Tabmis giúp kiểm soát chi theo dự toán, tồn quỹ và cam kết chi; Hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN giúp kiểm soát chi dự án theo kế hoạch trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, tổng mức đầu tư dự án, theo hạng mục, hợp đồng, cam kết chi; Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tiếp nhận hồ sơ và chứng từ chi điện tử từ đơn vị sử dụng ngân sách; Hệ thống thanh toán điện tử tập trung gồm thanh toán điện tử song phương với ngân hàng thương mại, thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước góp phần nâng cao khả năng quản lý ngân quỹ.

Theo đó, với việc KBNN thực hiện liên thông 3 ứng dụng nghiệp vụ trên là để giúp cán bộ kho bạc chỉ phải tác nghiệp ở hệ thống nguồn là Dịch vụ công trực tuyến.

Khi hoàn thành các công việc này, KBNN sẽ có hệ thống thông suốt kết nối từ các ứng dụng kế toán tài chính của đơn vị sử dụng ngân sách đi qua hệ thống kiểm soát chi và kế toán ngân sách của KBNN tới khi thanh toán cho đối tượng thụ hưởng.

Trên nền tảng những kết quả đạt được trong việc xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ hoạt động của KBNN và cung cấp dịch vụ điện tử cho các đơn vị giao dịch, tại dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030, KBNN cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, mọi giao dịch qua hệ thống kho bạc đều được số hóa.

Kho bạc số sẽ giúp hợp lý hóa các quy trình nghiệp vụ thủ công, giảm thiểu thời gian xử lý và đặc biệt sẽ cải thiện năng suất và hiệu quả công việc tại kho bạc.

Các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống không còn hồ sơ bằng giấy và công chức kho bạc không còn phải thực hiện các bước kiểm soát, thanh toán vốn theo phương thức thủ công… Việc quản lý, thu thập, kiểm soát và lưu trữ tài liệu cũng sẽ được tối ưu hóa, bảo đảm tính khả dụng của thông tin cho người sử dụng cuối, kể cả khả năng phục hồi thảm họa.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam